LỊCH SỬ TRUYỀN THỐNG CÁCH MẠNG CỦA ĐẢNG BỘ VÀ NHÂN DÂN XÃ TẬP SƠN (1930 - 2015) TẬP 2 - PHẦN THỨ NHẤT (CHƯƠNG I)
TẬP SƠN TRONG SỰ NGHIỆP ĐẤU TRANH GIÀNH ĐỘC LẬP DÂN TỘC (1930 – 1975)

CHƯƠNG I

XÃ TẬP SƠN TRONG THỜI KỲ ĐẤU TRANH GIÀNH CHÍNH QUYỀN (8/1945) VÀ CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP (1930 – 1954)

 

I. XÃ TẬP SƠN TRONG THỜI KỲ ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM RA ĐỜI VÀ LÃNH ĐẠO ĐẤU TRANH GIÀNH CHÍNH QUYỀN (1930 – 1945)

1. Phong trào đấu tranh cách mạng của Nhân dân Tập Sơn trong những năm 1930 - 1940

Khi tổ chức “Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội” ở Tỉnh lỵ Trà Vinh ra đời. Các hội viên thực hiện “Vô sản hóa”. Họ cùng nông dân tá điền lao động chân lấm tay bùn để thấm thía cuộc sống cực nhục của tá điền nhằm vừa rèn luyện mình vừa hướng dẫn nông dân con đường đấu tranh để tự giải phóng.

“Năm 1930, tuy quận Trà Cú chưa có đảng viên hoạt động, nhưng do chịu ảnh hưởng chung và sự tác động của các quận kế cận nên ở Trà Cú đã xuất hiện những hình thức vận động tuyên truyền đấu tranh mới trước đó chưa từng có như rải truyền đơn, mít tinh, hội họp…Ban đầu là những cuộc biểu tình đòi hoãn thuế 3 tháng, đòi giảm thuế, chống phụ thu đã làm nức lòng đồng bào, tiếp đến, những cuộc mít tinh nhân ngày Quốc tế lao động (01/5), ngày chống đế quốc chiến tranh (01/8), ngày kỷ niệm Cách mạng tháng Mười Nga (07/11)…”[1] Nhân dân Tập Sơn có cán bộ cơ sở lãnh đạo đã biểu dương lực lượng và hô vang các khẩu hiệu đấu tranh:

-Chống đế quốc đàn áp! Thả những người bị bắt!

-Chống chiến tranh đế quốc! Dân cày có ruộng! Nam nữ bình quyền!

-Ủng hộ Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết!

-Đảng Cộng sản Việt Nam muôn năm!

Năm 1936, cuộc bầu cử Quốc hội Pháp đã đưa Chính phủ cánh tả của Léon Blum lên cầm quyền. Đây là thời cơ cho phong trào cách mạng.

“Bước vào năm 1936, hệ thống tổ chức Đảng ở Trà Vinh được kiện toàn thêm một bước…Quận Trà Cú và Tiểu Cần trước đây chưa có đảng viên Cộng sản, đến nay đã có, tuy chưa tổ chức được Đảng bộ quận nhưng cơ sở cách mạng phát triển rộng khắp, được tổ chức ngay trong tổ chức địch”[2].

Giữa năm 1936, khi anh Lâm Văn Trọng (Ba Trọng), ở Xóm Tiều, trốn sưu đi làm mướn cho địa chủ. Trong lúc trốn tránh, anh Ba Trọng bị chính quyền thực dân Pháp bắt. Chúng đưa anh đi lao động đắp đường lộ, làm nhiều ăn ít mà còn thường xuyên bị đánh. Không thể chấp nhận làm thân tôi đòi như thế, anh trốn qua xứ khác làm ăn. Đến quận Càng Long, anh Ba Trọng gặp đồng chí Phạm Thái Bường, lúc này là đảng viên hoạt động công khai dưới vỏ bọc thợ xây nhà cho Quận Chín ở Càng Long. Được đồng chí Phạm Thái Bường tuyên truyền, anh giác ngộ lý tưởng cách mạng. Sau đó anh trở về quê nhà. Về đến Tập Sơn, anh Ba Trọng tìm anh Trần Hữu Sự (Ba Sự), anh Lê Quít, giáo Đạt bí mật bàn bạc để phổ biến kế hoạch hoạt động cách mạng. Kế hoạch này anh Ba Trọng nhận từ tay ông Hồ Văn Biện, ông Tám Bãi Vàng. Nhiều lần gặp gỡ trao đổi kế hoạch, các anh bắt tay vào hoạt động. Để qua mắt địch, các anh giả đi cờ bạc, đá gà để tìm đối tượng tổ chức cơ sở.

Lúc đồng chí Trần Thành Đại (Ba Mới) về Trà Cú hoạt động truyền đạt chủ trương của Tỉnh ủy đến các anh Ba Trọng, Ba Sự, Lê Quít, giáo Đạt…Nắm bắt thời cơ, anh Ba Trọng trao đổi với giáo Đạt (trí thức nông thôn) tổ chức số học sinh người Tập Sơn đang đi học ở Sài Gòn mua báo, giúp cho ta làm công tác phổ biến những tư tưởng tiến bộ.

Tháng 4/1938, Mặt trận Bình dân Pháp thất bại. Phái hữu đưa Đa-la-đi-ê lên cầm quyền. Ở thuộc địa, trong đó có Đông Dương, thực dân Pháp đề ra nhiều chính sách phản động như: Ngăn cấm những hoạt động công khai hợp pháp, khủng bố những người tham gia đấu tranh đòi dân chủ, giảm thuế…Ở Trà Vinh, thực dân Pháp đàn áp phong trào đấu tranh rất khốc liệt. Mâu thuẫn của Nhân dân ta với bọn thống trị tay sai thêm sâu sắc. Không có con đường nào khác, Nhân dân ta, đất nước ta muốn tồn tại chỉ có con đường vùng lên đấu tranh.

Trước tình hình đó, Trung ương Đảng ra Thông cáo ngày 29/9/1939 gửi các cấp bộ Đảng, nêu rõ:“Hoàn cảnh Đông Dương sẽ tiến bước đến vấn đề dân tộc giải phóng”[3] và chỉ thị cho các cấp ủy Đảng, các đoàn thể cách mạng nhanh chóng“lựa những đồng chí trung thành, hăng hái tổ chức các ban dự bị vào các cơ quan” [4], đối với tổ chức các hội quần chúng “phải xem xét trong các hội quần chúng, chọn người nào trung thành hăng hái có giác ngộ chính trị thì tổ chức vào hội bí mật… Những hội này phải hoàn toàn bí mật”[5].

2. Phong trào đấu tranh cách mạng của Nhân dân Tập Sơn trong những năm 1940 - 1945

Chuẩn bị tham gia Nam Kỳ khởi nghĩa

Ngày 01/9/1939, chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ. Hàng mấy vạn thanh niên Việt Nam bị bắt làm lính chiến, lính thợ đưa sang chính quốc. Của cải của Đông Dương bị vơ vét đem về Pháp phục vụ cho chiến tranh đế quốc.

Tháng 11/1939, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ sáu quyết định thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất phản đế Đông Dương, để tập trung lực lượng chống thực dân Pháp và tay sai. Hội nghị tiên đoán sự thất bại của bọn đế quốc, phát xít. Hội nghị vạch rõ mâu thuẫn chủ yếu ở Đông Dương với chủ nghĩa phát xít. Tất cả các dân tộc ở Việt Nam, các giai cấp xã hội, trừ bọn tay sai đế quốc, đều phải gánh những tai họa của chiến tranh đế quốc, đều căm tức kẻ thù chung là chủ nghĩa đế quốc và bè lũ tay sai. Hội nghị nhấn mạnh: giải phóng dân tộc là nhiệm vụ của cách mạng Đông Dương, vì “Bước đường sinh tồn của các dân tộc Đông Dương không có con đường nào khác hơn là con đường đánh đổ đế quốc Pháp, chống tất cả ách ngoại xâm vô luận da trắng hay da vàng để tranh lấy giải phóng độc lập”.

Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng tháng 11/1939 đã giương cao ngọn cờ giải phóng dân tộc, mở đường đi đến thắng lợi của cách mạng tháng Tám năm 1945.

Đầu quý IV/1939, ông Tám Bãi Vàng đến Tập Sơn gặp anh Ba Trọng phổ biến một số chủ trương mới của cách mạng và cho biết“Thế giới chiến tranh thứ hai bùng nổ ngày 01/9/1939, Tập Sơn gp rút xây dựng lực lượng để hưởng ứng và hành động kịp thời. Cần củng cố nâng cao chất lượng của những “Hội kín” đã có. Chú trọng đến lực lượng trẻ để đủ sức hành động khi cần”.

Sau khi chớp thời cơ, xã Tập Sơn tập trung xây dựng các Hội. Hội banh là Hội mạnh nhất. Các anh Ba Trọng, Ba Sự, Tư Đém, Lê Quít, anh Quạnh đều là những “tay đá banh” giỏi, ta phát huy và đưa vào tổ chức. Đội bóng đá của xã, ấp hình thành, tập hợp đông đảo thanh niên Kinh – Khmer – Hoa. Mỗi lần tập dượt đá banh hoặc đi thi đấu, các “vận động viên” đều được ta tuyên truyền đường lối cách mạng, hướng dẫn cách xây dựng tổ chức làm công tác đấu tranh cách mạng.

Để nhân lên phong trào, anh Ba Trọng cùng với anh Ba Sự, Lê Quít lập ra Hội truyền bá Quốc ngữ. Hội này sau khi thành lập đưa các tờ báo tiến bộ ở Sài Gòn như tờ Tân Việt, Dân Chúng, Tiền Phong, Lao Động mới để anh em đọc, bí mật bàn bạc các bài viết về tình hình chính trị.

Việc thông tin về Nguyễn Ái Quốc hoạt động ở Pháp, việc truyền bá sách báo, tạp chí Cộng sản mặc dù trong vòng bí mật vẫn nhanh chóng lan truyền đến trí thức nông thôn Tập Sơn. Từ đó, qua tuyên truyền miệng mà đi vào nông dân. Ý thức dân tộc ngày càng trỗi dậy. Tinh thần yêu nước trong họ dâng lên, giúp họ sớm nhận thức được muốn giải phóng cho chính mình và cho dân tộc mình khỏi áp bức bóc lột, khỏi nghèo nàn lạc hậu không có con đường nào khác ngoài con đường giải phóng dân tộc, đánh đổ đế quốc và giai cấp địa chủ phản động.

Qua các hoạt động trên, trí thức nông thôn và một bộ phận nông dân nắm được tình hình: Nam Kỳ là nơi phong trào Cách mạng do Đảng ta lãnh đạo phát triển mạnh hơn các nơi trong cả nước. Tháng 5/1940, đồng chí Tạ Uyên, Bí thư Xứ ủy xuống Trà Vinh phổ biến chủ trương và kế hoạch chuẩn bị khởi nghĩa. Dù đến ngày khởi nghĩa, lệnh của Xứ ủy Nam Kỳ đến Trà Vinh trễ 3 ngày, không thi hành được vì các cơ sở Đảng bị chính quyền thực dân phát hiện nhưng ở tại Tập Sơn, các cán bộ cốt cán đã tuyên truyền được chủ trương của cách mạng.

* Tập Sơn trong Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8/1945

Sau khởi nghĩa Nam Kỳ, địch khủng bố dữ dội. Một không khí ngột ngạt, lo sợ tràn ngập trong Nhân dân.

Tháng 5/1941, đồng chí Nguyễn Ái Quốc, chủ trì Hội nghị lần thứ 8 của Trung ương họp tại Pác Bó (Cao Bằng) và thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập Đồng minh, gọi tắt là Việt Minh, để tập hợp, đoàn kết tất cả các tầng lớp, giai cấp xã hội, kể cả giai cấp tư sản dân tộc và cá nhân tiến bộ, cá nhân địa chủ yêu nước, các dân tộc, các tôn giáo, nhằm làm cách mạng giải phóng dân tộc giành lại quyền độc lập tự do…

Ở Trà Vinh, Tỉnh ủy và hệ thống tổ chức Đảng được củng cố và kiện toàn từ năm 1942. Đến năm 1943 mới có các tài liệu về Hội nghị Trung ương 8 và Mặt trận Việt Minh để tuyên truyền. Các văn bản về tuyên ngôn và chương trình Việt Minh, báo Giải Phóng, báo Chiến Đấu…được truyền bá và có vị trí quan trọng, góp phần định hướng và đẩy nhanh nhịp độ phát triển phong trào cách mạng.

Anh Ba Trọng và số cơ sở cách mạng xã Tập Sơn có được văn kiện kể trên để phổ biến. Anh kết hợp với anh Khiêm ở Tập Ngãi (Tiểu Cần) truyền đạt các văn kiện Đảng đến những người có cảm tình với cách mạng.

Ngày 09/3/1945, Nhật đảo chính Pháp, độc chiếm Đông Dương. Ngày 12/3/1945, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra chỉ thị“Nhật, Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, phát động cao trào chống Nhật cứu nước mạnh mẽ làm tiền đề cho tổng khởi nghĩa, và sẵn sàng chuyển sang hình thức tổng khởi nghĩa một khi có đủ điều kiện.

Tháng 3/1945, được sự chỉ đạo của Xứ ủy do đồng chí Trần Văn Giàu làm Bí thư, Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, một đảng viên Cộng sản tranh thủ một quan chức của Nhật đứng ra thành lập Thanh niên Tiền phong.

Giữa năm 1945, Thanh niên Tiền phong Tập Sơn được thành lập. Quận bộ Trà Cú chỉ định ông Lâm Quang Sim (Bộ Sim) làm Thôn bộ trưởng. Các  anh Ba Trọng, Ba Sự, Lê Quít làm nòng cốt lãnh đạo.

Từ tháng 6 đến giữa tháng 8/1945, hàng ngày có trên 500 lực lượng thanh niên Kinh – Khmer – Hoa Tập Sơn từ các phum sóc Đôn Chụm, Thốt Nốt, Leng, Đồn Điền, Ông Rùm, Trà Mềm, Ô, Bà Tây, Bến Chùa liên tiếp kéo đi tập quân hàng…Lực lượng rất tích cực, ngày đêm luyện tập võ nghệ, đi diễu hành hàng hai, hàng tư trên các đường lộ trong xă. Nhìn lực lượng thanh niên tiền phong, ai cũng nhận ra. Đi đâu đơn vị này cũng mặc đồng phục của thanh niên tiền phong: quần sọt (short), áo sơ mi trắng tay ngắn (may bằng vải ta), đầu đội nón bàng rộng vành, tay cầm chiếc gậy tầm vông vạt nhọn, một đầu có quấn sợi dây. Bên hông đeo dao găm, mã tấu, vai mang cung tên, lưng đeo chiếc nóp. Chân bước đi nghe rầm rập, dáng điệu oai hùng theo tiếng tu huýt thổi tít te, tít te rập theo nhịp điệu 1 - 2, 1 - 2, miệng luôn hát vang những bài ca hùng tráng như ca khúc“Lên đàng, Tiếng gọi thanh niên, Bóng cờ lau, Nước non Lam Sơn”. Thanh niên tiền phong khi gặp nhau chào bằng xoè bàn tay ngang vai trái và hô lớn: “Thanh niên!Tiếng hô đáp lại: “Tiến!”… Mỗi toán Thanh niên Tiền phong giương cao một lá cờ vàng giữa có một ngôi sao đỏ năm cánh[6] để biểu dương lực lượng.

“Sau Hội nghị toàn quốc của Đảng bế mạc, thì Đại hội quốc dân cũng họp ngay ở Tân Trào vào ngày 16/8/1945…Đại hội nhiệt liệt tán thành chủ trương tổng khởi nghĩa của Đảng cộng sản Đông Dương và 10 chính sách của Việt Minh. Đại hội quyết định thành lập Ủy ban giải phóng dân tộc Việt Nam tức chính phủ lâm thời do đồng chí Hồ Chí Minh làm chủ tịch. Đại hội quy định quốc kỳ là nền đỏ, giữa có ngôi sao vàng năm cánh, quốc ca là bài Tiến quân ca”[7].

Chuẩn bị khởi nghĩa, ở Tập Sơn đã chuẩn bị các mặt chu đáo để tiếp nhận các chủ trương lãnh đạo của Đảng, tổ chức thực hiện đạt yêu cầu cách mạng.

  Ngày 13 đến 15/8/1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp ở Tân Trào quyết định: Phát động khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Ủy ban dân tộc giải phóng kêu gọi:“Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”[8].

Toàn dân nổi dậy, triệu người như một, ý chí quật cường của dân tộc vùng lên mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Ngày 19/8/1945, giành chính quyền thắng lợi ở Hà Nội.

Ngày 24/8/1945, Tỉnh ủy phát lệnh khởi nghĩa vào 0 giờ ngày 25/8/1945. Các quận có đưa một số lực lượng tham gia giành chính quyền ở Tỉnh lỵ. Ủy ban khởi nghĩa quận Trà Cú nhận lệnh của tỉnh, phát lệnh xuống các xã trong quận, đưa lực lượng hỗ trợ bổ sung vào tự vệ quận để cướp chính quyền tại quận lỵ Trà Cú.

Nhận được lệnh khởi nghĩa, các anh Lâm Văn Trọng (Ba Trọng), Trần Hữu Sự (Ba Sự), Nguyễn Văn Kế (Bảy Kế), Nguyễn Văn Xước (Ba Xước), Châu Long Xà, Lê Quít, giáo Phụng, anh Quạnh hô hào thúc đẩy phong trào. Anh Lâm Văn Trọng tuyển thêm một số Thanh niên cứu quốc nòng cốt tập trung để kịp lên Tỉnh lỵ đem theo tấm băng-rôn lớn: “Việt Nam độc lập muôn năm”… mang lên xe đò vào chiều 24/8/1945.

Ngay đêm 24/8, lực lượng Thanh niên tiền phong các quận tập hợp đông đảo trong nội ô. Quận Trà Cú có mặt đúng giờ quy định.

Đúng 0 giờ ngày 25/8/1945, các mũi đồng loạt tiến công bất ngờ vào các mục tiêu quy định.

5 giờ sáng, địch ở tỉnh Trà Vinh phát loa xin hàng.

10 giờ ngày 25/8/1945, lực lượng các cơ sở trong quận Trà Cú cũng về tới nơi để trợ lực giành chính quyền xã Tập Sơn. Trưởng ban khởi nghĩa xã, anh Lâm Văn Trọng (Ba Trọng) ra lệnh, đoàn trương lá cờ đỏ sao vàng tiến thẳng vào nhà việc Hội tề Tập Sơn. Lực lượng Thanh niên tiền phong và quần chúng Kinh – Khmer – Hoa các phum sóc kéo đến đầy kín Nhà việc biểu dương khí thế. Bọn tề Tập Sơn 11 tên nhưng có một số tên quá sợ bỏ trốn, số còn lại nằm im.

Lệnh của ta do anh Lâm Văn Trọng triển khai.“Giờ này lực lượng cách mạng đã giành lấy chính quyền. Chúng tôi thông báo đến những người làm việc cho chính quyền thực dân, phát xít, nắm: Bắt đầu từ giờ này, các ông phải nộp hết súng đạn, tài liệu, con dấu cho cách mạng và giải tán ban hội tề. Kể từ nay chính quyền đã về tay Nhân dân!”.

Chấp hành lệnh của cách mạng, Biện Tỉnh đem toàn bộ hồ sơ sổ sách, con dấu ra nạp. Lính làng mang 5 khẩu súng Mút ca tông (Súng trường Pháp) và hơn 100 viên đạn giao cho ta ngay tại công sở xã. Số hội tề chứng kiến bàn giao và ra trình diện Ủy ban khởi nghĩa xã, là Hứa Phọ (Cả Phọ), Huỳnh Ướng (Chủ Ướng), Huỳnh Trung Trực (Hương quản Trực), Trang Kia (Hương sư Kia), Từ Nam Hữu (Hương hào Thúi), Lục Vĩnh Phát (Xã Tên), Hương thân Yến.

16 giờ ngày 25/8/1945, xã Tập Sơn đã giành được chính quyền, không đổ một giọt máu, không tốn một viên đạn.

Sau 80 năm nô lệ (1865-1945)[9], Nhân dân Tập Sơn cùng cả nước đứng lên làm chủ vận mạng mình, đất nước đã về ta. Từ đây, đồng bào các dân tộc trong xã hồ hởi tham gia vào sự nghiệp xây dựng chế độ xã hội mới dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản.

II. XÃ TẬP SƠN TRONG CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP XÂM LƯỢC (1945 – 1954)

1. Thành lp chính quyn cách mng lâm thi Mt trn Vit Minh xã Tp Sơn

Ngày 02/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập công bố trước quốc dân sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đây là một sự kiện làm nức lòng toàn dân Việt Nam.

Trong những ngày đầu mới giành được chính quyền, nhiệm vụ đặt ra cho chính quyền cách mạng và Nhân dân Trà Vinh là trấn áp bọn phản cách mạng, giải quyết những nhu cầu cơ bản để ổn định đời sống vật chất và nâng cao trình độ dân trí cho đồng bào.

Ở Trà Cú, sau khi tiếp nhận toàn bộ hồ sơ tài liệu, tài sản, vũ khí của quận, một tuần lễ sau tuyên bố thành lập Ủy ban Nhân dân cách mạng quận, sau đó hình thành Ủy ban Nhân dân cách mạng các xã.

Thành lập chính quyền cách mạng lâm thời xã Tập Sơn

Tại xã Tập Sơn, bước đầu thành lập chính quyền cách mạng gặp một số khó khăn. Đó là con người của chế độ mới còn thiếu về văn hóa, chính trị và nghiệp vụ quản lý Nhà nước. Được chính quyền cách mạng quận gợi ý, chọn cơ cấu một số hội tề không có nợ máu, có liên hệ với cách mạng hoặc có thái độ ủng hộ cách mạng trước khi khởi nghĩa. Với điều kiện này, các xã bạn trong quận cũng giống nhau nên ta phải sử dụng con người có khả năng và tư tưởng tiến bộ, bổ sung vào một số thành viên chính quyền mới. Bộ máy chính quyền cách mạng lâm thời xã Tập Sơn gồm:

-Ông Trang Kia (Hương sư Kia), Chủ tịch.

-Ông Huỳnh Trung Trực (hương quản), Phó chủ tịch.

-Ông Lục Vĩnh Phát (Xã Tên), Tổng thư ký.

-Ông Từ Nam Hữu (Hương hào Thúi), Ủy viên ủy ban lâm thời.

-Ông Nguyễn Văn Nghệ (Mười Nghệ), Ủy viên quân sự.

-Ông Trần Hữu Sự (Ba Sự), Trưởng công an.

Sau đó Ủy ban cách mạng lâm thời xã ra mắt, tuyên bố thực hiện mười chính sách Việt Minh:

1/Phản đối xâm lược, tiểu trừ Việt gian.

2/Vũ trang Nhân dân – mở rộng vùng giải phóng.

3/Tịch thu tài sản lũ giặc cướp nước và của Việt gian tùy trường hợp để làm của chung hay chia cho dân nghèo.

4/Bỏ hết thuế khóa, phu dịch do đế quốc đặt ra.

5/Thực hiện quyền tự do dân chủ và quyền phổ thông tuyển cử. Thừa nhận quyền dân tộc bình đẳng, nam nữ bình quyền.

6/Chia lại ruộng công, làm cho dân nghèo có ruộng cày cấy, giảm tô, giảm lợi tức, hoãn nợ.

7/Thi hành luật ngày làm 8 giờ, đặt luật xã hội bảo hiểm cứu tế nạn nhân.

8/Thành lập và mở mang nền kinh tế quốc dân, khuyến khích và giúp đỡ công nghiệp, nông nghiệp và thương nghiệp – lập quốc gia ngân hàng.

9/Chống nạn mù chữ, cưỡng bách giáo dục đến bậc sơ học, đào tạo các hạng nhân tài.

10/Thân thiện với các nước coi trọng nền độc lập của Việt Nam.

Thành lập Mặt trận Việt minh xã Tập Sơn

Mặt trận Việt Minh đã hoạt động từ chuẩn bị giành chính quyền tháng 8/1945, nay được củng cố lại. Đồng chí Lê Quít, là đảng viên được phân công phụ trách khối, cùng các cán bộ như Nguyễn Văn Xước (Ba Xước), Giáo Đạt, anh Quạnh, Dương Ngoán hoạt động Mặt trận, tập hợp các tổ chức thành viên như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên thực hiện nhiệm vụ phổ biến lời kêu gọi của Mặt trận Việt Minh quận Trà Cú “về đại đoàn kết giữa ba dân tộc Kinh – Khmer – Hoa” xung quanh Đảng để kháng chiến và kiến quốc.

Chính quyền xã Tp Sơn lãnh đo các phong trào đu tranh chng Pháp

Sau khi giành chính quyền, xã Tập Sơn thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “diệt giặc đói, diệt giặc dốt và diệt giặc ngoại xâm”.

Về “diệt giặc đói”, Chính quyền xã mời số địa chủ tiến bộ như Hứa Phọ (Cả Phọ), Huỳnh Ướng (Chủ Ướng) vận động họ cho mượn lúa để cứu đói, số địa chủ thống nhất, giải quyết cho bà con ở các phum sóc Đôn Chụm, Thốt Nốt, Leng, Đồn Điền, Bà Tây…đang thiếu lúa ăn, đến mùa thu hoạch sẽ hoàn lại. Bên cạnh đó, ta còn làm công tác cấp đất bước đầu cho nông dân tá điền trên cơ sở nguyên canh. Đối với ruộng đất của địa chủ lớn vắng mặt nhưng chưa có hành động phản cách mạng, chính quyền coi là ruộng đất vắng chủ. Ta tạm giao cho nông dân canh tác.

Về “diệt giặc dốt”, các lớp bình dân học vụ được mở đều khắp. Trên 90% dân Tập Sơn không biết đọc, biết viết, do chế độ cũ để lại, nay có điều kiện học bình dân cạnh nhà. Ngoài các lớp mở tại điểm nhà, trên ghe, các điểm trường dành cho trẻ trong độ tuổi đi học cũng được tập trung mở, có giáo viên được đào tạo đứng lớp.

Việc phát động thực hiện phương châm“Người biết chữ dạy người chưa biết”, “Người biết nhiều dạy người biết ít”. Một phong trào rầm rộ học chữ được phát động, lớp học không những là điểm học đọc, học viết mà còn là điểm cho mọi người đến với nhau. Nạn mù chữ ở Tập Sơn trong lúc này dường như không còn. Đi đâu, đến đâu người ta đều gặp những câu ca dao, khẩu hiệu nêu lên quyết tâm chống giặc dốt của người dân Tập Sơn:

“Cô kia má đỏ hồng hồng

Vì cô dốt chữ nên chồng cô chê”.

                               Hoặc:

“Trên kia có lớp học đêm

Anh đi đến đó học thêm rất nhiều”.

Song song với phong trào bình dân học vụ, phong trào văn hóa văn nghệ sôi nổi theo đời sống mới như phong trào thi đua thực hiện “tương thân, tương ái’, giúp đỡ nhau trong sinh hoạt cuộc sống, nhất là hỗ trợ lúa gạo ăn khi người trong thôn xóm và phum sóc túng thiếu. Phong trào “ăn chín uống sôi”, có bệnh thì đi trị bệnh, không tìm “thầy bùa”, “thầy ngãi” trị; phong trào giữ an ninh trật tự bình yên thôn xóm phát triển

Chính quyền cùng Nhân dân xây dựng đoàn kết dân tộc, tôn giáo, xây dựng cuộc sống mới, lập lại trật tự trong xã hội khi chính quyền về tay Nhân dân. Bức tranh xã hội Tập Sơn lúc này khá sáng sủa. Nhân dân các ấp cùng hỗ trợ nhau phát triển sản xuất, khắc phục hậu quả chiến tranh do đế quốc gây ra. Nạn ma chay, cưới xin kiểu cũ mất dần. Quan hệ nam nữ bình đẳng. Chính quyền Nhân dân xóa thuế thân, thuế đò, nạn đi xâu. Nhân dân hăng hái canh tác và tận dụng hết đất đai để giải quyết nhu cầu cuộc sống trước mắt.

Thực hiện “Tuần lễ vàng” do Chính phủ và Hồ Chủ tịch phát động bắt đầu từ ngày 17/9/1945, để lo các hoạt động quốc phòng trong lúc chính quyền non trẻ còn gặp nhiều khó khăn. Đa số dân Tập Sơn đem vàng đóng góp cho chính quyền cách mạng theo khả năng của mình, có người lấy bông tai và nhẫn cưới ra đóng góp trong tuần lễ vàng.

Về “diệt giặc ngoại xâm”, phong trào tự vũ trang và luyện tập quân sự, xã Tập Sơn cũng xây dựng lực lượng, vận động người người sắm giáo mác, mã tấu, tầm vông để tự trang bị.

2. Thực hiện phong trào đấu tranh chống Pháp giành thắng lợi

Giữa lúc Nhân dân Tập Sơn tích cực khắc phục hậu quả mà phong kiến và thực dân Pháp để lại thì quân Pháp núp bóng quân Anh gây hấn tại Sài Gòn (23/9/1945) với dã tâm giúp quân Pháp tái chiếm nước ta.

Tháng 12/1945, quân Pháp tấn công Trà Vinh.

Lửa chiến tranh lan rộng khắp Trà Vinh. Chi bộ Tập Sơn vận động Nhân dân kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược theo chủ trương của trên đề ra là“Tiêu thổ kháng chiến”,“Vườn không nhà trống”, không cho giặc Pháp lấy nhà làm đồn bót, cướp hoa màu làm kho lương thực, gây cho chúng nhiều khó khăn trở ngại “đi dễ, khó về”. Đồng chí Nguyễn Văn Nghệ (Mười Nghệ), ủy viên quân sự xã, chỉ huy lực lượng du kích, tự vệ, động viên lực lượng quần chúng Kinh – Khmer – Hoa trong xã, ra sức phá hoại các trục giao thông (tỉnh lộ 36, lộ 25), phá các nhà tường trong xã. Hạ cây sao, dầu, còng, me,…chặn cơ giới của Pháp vào cướp phá, bắn giết đồng bào ta. 

Ngày 12/12/1945, quân Pháp tiến đánh Trà Vinh bằng hai cánh. Cánh chủ lực đi tàu chiến theo sông Cổ Chiên. Cánh dương đông từ Vĩnh Long đánh xuống.

Sau khi quân Pháp tiến vào thị xã Trà Vinh, ở khắp nơi, quân dân ta đều lập tuyến đánh địch. Trong các trận chiến đấu, Cộng hòa vệ binh và Quốc gia Tự vệ cuộc chiến đấu thể hiện vai trò nòng cốt của mình. Các đoàn thể cứu quốc sát cánh cùng Cộng hòa vệ binh và Quốc gia Tự vệ cuộc chiến đấu, dũng cảm đảm đương các nhiệm vụ trinh sát, giao liên, tiếp lương, cứu thương, tải đạn…Đi đến đâu quân Pháp cũng vấp phải sự kháng cự quyết liệt của quân và dân ta.

Tại mặt trận Chợ Trà Trót (Tập Sơn), ngày 15/12/1945, nhằm ngày 11 tháng 11 năm Ất Dậu, quân Pháp dùng xe đạp cuộc tiến theo đường mòn ven lộ Cầu Cống từ Phước Hưng đến chợ Trà Trót (Tập Sơn). Lực lượng cách mạng bao gồm đơn vị Quốc gia tự vệ cuộc của tỉnh do đồng chí Sáu Cồ chỉ huy, lực lượng Cộng hòa vệ binh quận do đồng chí Sáu Lập điều khiển. Các đồng chí Nguyễn Văn Nghệ (Mười Nghệ), Trần Hữu Sự (Ba Sự) chỉ huy lực lượng du kích, dân quân tự vệ xã. Trận địa bố trí ba bãi địa lôi: Phía trên nhà Út Hòe (Trịnh Sa) một điểm. Ngay cống chợ Trà Trót (Tập Sơn) một điểm. Trước cửa chùa Ông Bổn chợ một điểm. Vũ khí của ta nói chung còn kém hơn Pháp. Chỉ có một số súng Mút ca tông (Mút Tây), một số súng săn hai nòng. Phần đông còn lại là vũ khí bén, nhọn như mã tấu, gươm, đao và tầm vông vạt nhọn, cung tên, ná lãi, phóng lao của lực lượng Thanh niên tiền phong. Quân Pháp vừa lọt vào nơi ta phục kích, đồng chí Ba Xước giựt địa lôi đầu tiên, tiếng nổ vang dội, bọn Pháp chết và bị thương vài tên. Chúng lùi lại dùng súng trung liên Anh (FM) và tiểu liên (Mitrailles) bắn thẳng vào trận địa dữ dội. Các lực lượng cách mạng bắn lại rồi đồng loạt đánh giáp lá cà đâm, chém bằng vũ khí bén nhọn thô sơ. Sau 20 phút chiến đấu, do hỏa lực địch quá mạnh, Ban chỉ huy ra lệnh rút lui về nhiều hướng để bảo toàn lực lượng. Quân ta thi hành mệnh lệnh “Tiêu thổ kháng chiến”, đốt chợ Trà Trót (Tập Sơn) không để cho Pháp vào chiếm đóng. Lửa cháy rực trời. Bên ta bốn đồng chí hy sinh là đồng chí Lê Quít, đồng chí Quạnh, đồng chí Tế và đồng chí Son. Bị thương hai đồng chí là Tư Đém và một đồng chí trong đội Cộng hòa vệ binh ở Lưu Nghiệp Anh. Kết thúc trận đánh, địch chết 2 tên, bị thương 3 tên. Lúc này tiếng đồn “Ba Xước giựt địa lôi” nổi danh, bọn Pháp và tề ở đây đều biết[10].

Từ thực tiễn chiến trường, trong thư gửi các chiến sĩ miền Nam ngày 22/12/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết:“Chính phủ Dân chủ Cộng hòa rất khen ngợi chiến sĩ ở các mặt trận miền Nam, đặc biệt là các chiến sĩ ở Nha Trang và ở Trà Vinh, đã làm gương anh dũng cho toàn quốc. Tổ quốc biết ơn các bạn, toàn thể đồng bào noi gương các bạn”[11].

Ở Tập Sơn, khi lực lượng ta rút quân, giặc Pháp tiến quân qua hướng Trà Cú. Biết được hướng đi của địch, quân ta phân tán bắn tỉa chặn địch. Từ đó, mà đường tiến quân của chúng rất chậm.

Cuối năm 1945, hoạt động của Mặt trận Việt Minh kết hợp với Thanh niên Tiền phong, chọn các đội trưởng có năng lực đưa vào các ban, ngành xã và phụ trách các ấp. Kể từ đây, Thanh niên Tiền phong hết vai trò trách nhiệm.

Giữa lúc quân Pháp tái xâm lược nước ta, ngày 06/01/1946, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được tiến hành. Bất chấp sự khủng bố của thực dân Pháp, cử tri Tập Sơn vẫn tích cực đi bầu, đạt tỷ lệ 98%.

Ngày 11/01/1946, quân Pháp tạm tái chiếm một số xã của quận Trà Cú. Chúng gom số tề cũ đã qua chạy trốn, nay trở về để lập lại hội tề mới. Chúng tiếp tục đưa quân lùng sục những nơi chúng tình nghi có cán bộ, du kích ta ở. Mỗi cuộc hành quân đó, chúng bắt bớ, đánh đập, đàn áp Nhân dân, nhất là các phum sóc có đông đồng bào Khmer như Đôn Chụm, Đồn Điền, Thốt Nốt, Bà Tây của xã Tập Sơn.

Sau khi thực dân Pháp chiếm hết các quận trong tỉnh Trà Vinh, ở Trà Cú, cán bộ ta thường xuyên di chuyển nơi ẩn náu. Khu ủy và Ủy ban kháng chiến Khu 8 chỉ thị:“Cán bộ lãnh đạo tỉnh Trà Vinh và các quận, tổ chức lực lượng di chuyển về địa bàn U Minh (Cà Mau) để gặp Xứ uỷ”. Đoàn cán bộ quận Trà Cú và các xã trong quận đi đường bộ, gồm: Đỗ Hải Huợt, Đỗ Văn Nại, Nguyễn Thăng Bằng, Cao Phát Thành, Lâm Văn Trọng, Tăng Văn Hớn, Dương Văn Hải, có cả Trần Ngọc Báu (quận Báu)… Đến Bạc Liêu, cả đoàn dừng lại, phân công Trần Ngọc Báu quay về trình diện. Nếu Pháp cho làm Quận trưởng lại thì cứ nhận và liên hệ với cách mạng sau.

Lúc có Hiệp định sơ bộ ngày 06/03/1946, cán bộ, đảng viên Tập Sơn quán triệt trong nội bộ và quần chúng cốt cán cơ bản nắm được tinh thần hiệp định. Nước Pháp công nhận nước Việt Nam là một nước tự do có chính phủ, quốc hội và quân đội riêng, có tài chính, ngoại giao riêng. Hiệp định này tạo niềm phấn khởi trong cán bộ, bộ đội Nhân dân. Giai đoạn này, các phong trào xây dựng ấp căn cứ được nhóm lên.

Đầu tháng 6/1946, tình hình tạm ổn, ở xã Tập Sơn, cán bộ Đảng, chính quyền, đoàn thể, lực lượng vũ trang cũng lần lượt trở về bắt tay vào nhiệm vụ kháng chiến.

Khi xã làm xong công tác tổ chức bước đầu, cán bộ, đảng viên và cơ sở tiếp thu, quán triệt các chủ trương, nghị quyết của Đảng. Đặc biệt là xã Tập Sơn nghiên cứu sâu Quyết nghị án Hội đồng quân dân chính họp ngày 11/12/1946, quyết định xây dựng tình đoàn kết Kinh-Khmer-Hoa, giải quyết thực trạng gồm các điểm chính:

Hai cấm:

- Cấm trả oán, trả thù.

- Cấm đòi của cải bị cướp.

Hai vận động:

- Vận động nhân sĩ trí thức người Khmer tham chính.

- Vận động lục cả, sư sãi giáo dục con sóc đoàn kết với người Kinh, người Hoa làm cách mạng giải phóng dân tộc ba nước Đông Dương.

Hai vũ trang:

- Vũ trang tuyên truyền bảo vệ đồng bào, bảo vệ sản xuất, bảo đảm an cư lạc nghiệp. Ba dân tộc Kinh-Khmer-Hoa xây dựng tình đoàn kết kháng chiến chống Pháp xâm lược, tố cáo tội ác Pháp và tay sai.

- Ra sức chiến đấu, tiêu diệt quân Pháp và quân ngụy nhưng chỉ bắn chỉ thiên đối với một ít người Khmer.

Lãnh đạo quận quyết định tất cả cán bộ, các đoàn thể quần chúng, lực lượng vũ trang đều phải làm công tác dân vận. Phải tôn trọng phong tục tập quán của đồng bào Khmer. Đặc biệt gần gũi các sư sãi, nhất là sãi cả, phải xin ý kiến các vị khi có việc quan hệ đến chùa chiền và đồng bào Khmer.

3. Tp Sơn thành lp Chi b Đng

Củng cố chính quyền cách mạng xong, các anh Lâm Văn Trọng, Trần Hữu Sự, Nguyễn Văn Kế, Nguyễn Văn Nghệ được Quận ủy bồi dưỡng, kết nạp đảng viên. Sau khi các đồng chí được vào Đảng, đồng chí Đỗ Hải Huợt, Bí thư Quận ủy lâm thời về xã Tập Sơn dự họp, lãnh đạo thành lập chi bộ.

Giữa tháng 12/1946, Chi bộ xã Tập Sơn họp, địa điểm ấp Cây Da, các đảng viên chi bộ là người quyết định bầu Bí thư và phó Bí thư. Kết quả:

Đồng chí Nguyễn Văn Kế (Bảy Kế), Bí thư.

Đồng chí Lâm Văn Trọng (Ba Trọng), Phó Bí thư.

Đồng chí Nguyễn Văn Nghệ (Mười Nghệ), Chi ủy viên phụ trách xã đội.

Đồng chí Trần Hữu Sự (Ba Sự), Chi ủy viên phụ trách công an.

Đồng chí Nguyễn Thị Ngài (ấp Chợ), Chi ủy viên phụ trách phụ nữ.

Chi bộ Đảng Tập Sơn lãnh đạo quân dân xã tham gia giải phóng quận Trà Cú lần thứ nhất (31/12/1946)

Mặc dù xã Tập Sơn từng lúc giặc Pháp và tay sai càn quét khủng bố gắt gao nhưng lực lượng cách mạng đều bám vào dân ở các phum sóc. Số cán bộ chủ chốt như Lâm Văn Trọng, Nguyễn Văn Kế, Trần Hữu Sự, Nguyễn Văn Nghệ đã xây dựng cơ sở vững mạnh. Đến tháng 8/1947, đồng chí Lâm Văn Trọng được đề bạt Quận ủy viên dự khuyết và trực tiếp chỉ đạo xã Tập Sơn.

Để phục vụ giải phóng quận Trà Cú lần thứ nhất, đồng chí Nguyễn Văn Nghệ đưa 12 thanh niên xã Tập Sơn về bổ sung cho đơn vị vũ trang quận, đồng thời vận động lương thực lo hậu cần chiến đấu.

Nắm được tình hình bót Bến Tranh (An Thới) bị lực lượng vũ trang quận san bằng, lực lượng vũ trang quận Trà Cú còn tiến đánh bót Cầu Quan (Long Thới – Tiểu Cần) nhằm cắt đứt đường chi viện của địch khi ta đánh quận lỵ Trà Cú.

Từ tình hình trên, đồng chí Nguyễn Văn Kế, Trần Hữu Sự chủ trương đưa một số sư sãi chùa Tháp và chùa Leng, cùng một số quần chúng tích cực xã Tập Sơn ra quận lỵ phối hợp với sư sãi và quần chúng các xã bạn làm áp lực biểu dương khí thế, thuyết phục một số binh lính ngụy hướng về cách mạng.

Kế hoạch chuẩn bị giải phóng quận Trà Cú đã chín muồi. Chi bộ Đảng, quân dân Tập Sơn và các xã bạn trong quận nhiệt liệt hưởng ứng. Đồng chí Nguyễn Văn Nghệ, Ban quân sự xã Tập Sơn dẫn một tiểu đội du kích lên quận phối hợp chiến đấu. Từ ngày 28/12/1946, quần chúng Kinh – Khmer – Hoa và sư sãi các xã kéo lên quận, biểu dương lực lượng, reo hò vang lên làm áp lực. Ta tập trung bắn cối vào đồn án ngữ dinh quận làm cho binh lính mất ăn, mất ngủ. Đồng chí Nguyễn Thăng Bằng (Sáu Lập) gi tối hậu thư cho quận Chỉ hai lần, khuyên hắn đầu hàng, nhưng hắn vẫn ngoan cố chống lại. Đến đêm 30/12/1946, ta pháo kích dữ dội vào dinh quận.“Khoảng 3 giờ sáng, lực lượng vũ trang của ta ngưng tiếng súng, được lệnh tạm rút về Cầu Hanh. Ta dự đoán địch rút chạy theo đường tắt về hướng Phước Hưng nên tổ chức phục kích đánh địch. Trước tình thế nguy ngập, không thấy tỉnh cho quân về ứng cứu giải vây, quận Chỉ bí mật cho lính rút chạy khỏi đồn, để về tỉnh theo đường tắt từ Cầu Hanh qua đồng Chòm Chuối, Trạm, Đầu Giồng (xã Phước Hưng). Được quần chúng báo quận Chỉ đã bỏ trốn, trong khi đó anh em tự vệ cùng quần chúng Chòm Chuối, Cầu Cống, Đầu Giồng kéo nhau ra lộ la ó, hò reo, địch hoảng sợ, chui vào các ruộng lúa ẩn trốn. Bộ đội ta truy đuổi địch, cùng quần chúng bắt được quận Chỉ và nhiều lính, tước được nhiều súng”[12].

Qua ngày 01/01/1947, Tòa án cách mạng được lập ra, tuyên án tử hình tên Nguyễn Văn Chỉ về tội phản quốc. Buổi xử này diễn ra tại sân vận động Ngã Ba. Đông đảo quần chúng Kinh – Khmer – Hoa của quận Trà Cú đến dự, ai nấy đều phấn khởi. Đến đây quận Trà Cú được giải phóng lần thứ nhất.[13]

Thời kỳ xã Tập Sơn hoàn toàn giải phóng

Từ 01/01/1947 đến tháng 02/1949, xã Tập Sơn hoàn toàn giải phóng. Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh Trà Vinh đã chỉ thị chuyển tên gọi quận thành huyện và làng thành xã. Đến ngày 18/02, Ủy ban kháng chiến hành chính Nam Bộ mới ra Nghị định số 46/NĐ chuyển đổi tên gọi trên thống nhất toàn Nam Bộ.

Trong thời gian này, xã đẩy mạnh công tác tạm cấp ruộng đất bằng số đất của địa chủ tiến bộ ở lại vùng giải phóng, tự nguyện hiến điền, chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng như Hứa Phọ (Cả Phọ) ấp Leng, Huỳnh Ướng (Chủ Ướng) Bến Thế, Nguyễn Thâm Canh (Chủ Canh) Đồn Điền, Châu Long Tập (Sáu Chíp) Bến Thế. Bên cạnh còn thực hiện tạm cấp đất của số địa chủ vắng mặt, chính quyền quản lý số ruộng. Công tác tạm cấp đất bước đầu này đã giải quyết cho nông dân nghèo không có ruộng hoặc ít ruộng nhận canh tác đảm bảo cuộc sống.

Chi bộ xã cũng được củng cố:

-Đồng chí Nguyễn Văn Kế (Bảy Kế), Bí thư Chi bộ.

-Đồng chí Lâm Văn Trọng (Ba Trọng), Huyện ủy viên trực tiếp chỉ đạo xã.

-Đồng chí Nguyễn Văn Nghệ (Mười Nghệ), Chi ủy viên phụ trách quân sự.

-Đồng chí Từ Thị Bửu (lực lượng vũ trang biệt phái công tác phụ nữ xã trong 2 năm 1947 – 1948). 

Thành lập bộ đội Issarak: Từ đội vũ trang tuyên truyền đặc trách Khmer, Tỉnh ủy chủ trương thành lập một trung đội Issarak (có phân nửa là người Khmer, phân nửa người Kinh nói thuần thục tiếng Khmer). Trung đội này lấy tên là Bộ đội liên quân Miên-Việt. Mặc quân phục đồng bộ ka ki màu xám. Đơn vị thành lập vào tháng 3/1947, tại chợ Trà Trót (Tập Sơn), ban chỉ huy bộ đội Issarak gồm có:

Đồng chí Keo SaRay (tên Việt là Phạm Lô), Trung đội trưởng.

Đồng chí Huỳnh Bửu Kính, Trung đội phó.

Đồng chí Thạch Thiện Chí (Thạch Sửu), Chính trị viên.

Quân số 120 đồng chí

- Trong hai năm giải phóng (1947 – 1949), vùng đất Tập Sơn được chi bộ lãnh đạo, xây dựng và phát triển kinh tế. Có nhiều người được cấp đất liền đưa con đến chính quyền xã xin đi bộ đội. Đồng bào Khmer nói:“Việt Minh đánh Tây còn cho đồng bào ruộng đất. Chúng tôi thiệt bụng đem hiến con cho Việt Minh để Việt Minh đánh quân Pháp xâm lược, giữ ruộng đất”. Về xây dựng “Đời sống mới, đã đẩy lùi những tệ nạn xã hội như say rượu, cờ bạc, trộm cắp,…Xóa bỏ những hủ tục lạc hậu trong cưới hỏi, ma chay cũng như xóa mê tín dị đoan. Nhân dân sống cảnh yên bình, tối ngủ nhà nhà không đóng cửa. Nhạc phẩm “Đời sống mới” được mọi người hát thường xuyên: “Đây trời Việt Nam ngàn năm tươi sáng luôn…”. Công tác xóa mù chữ được tập trung. Các lớp Bình dân học vụ mở ra. Đến năm 1948 hơn 70% số người mù chữ đã biết đọc biết viết để xem báo và viết thư thăm hỏi nhau.

Cùng với hoạt động trên, phong trào xây dựng dân quân, phong trào cải tạo địa hình, xây dựng xã chiến đấu ở Tập Sơn được đẩy mạnh, Nhân dân trong xã sẵn sàng vào đội ngũ chiến đấu để bảo vệ xã, mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi chi bộ là một bộ tham mưu.

Về chính trị, Mặt trận Việt Minh kết hợp với chính quyền phát huy tác dụng được duy trì và điều hành tốt mọi công việc trong xã. Với phương châm “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết…”, Mặt trận đã tập hợp các tầng lớp Nhân dân, dân tộc, các thành phần không phân biệt chính kiến. Hễ ai là người yêu nước thì Mặt trận tập hợp. Năm 1947 – 1948, Tập Sơn coi trọng việc xây dựng các hội cứu quốc: Đoàn Thanh niên cứu quốc, Hội Phụ nữ cứu quốc, Hội Nông dân cứu quốc…

Đoàn Thanh niên cứu quốc là một đội tiên phong trong công tác kháng chiến, nhất là tham gia dân quân du kích.

Hội Nông dân cứu quốc đôn đốc mọi mặt để phục vụ và tham gia kháng chiến của nông dân, góp phần thực hiện tốt các chính sách của Đảng ở nông thôn.

Hội Phụ nữ cứu quốc đảm bảo công tác hậu cần trong kháng chiến, gom góp các hũ gạo nuôi quân giao cho bộ đội, chăm sóc việc ăn mặc của bộ đội, nuôi dưỡng các thương bệnh binh. Chị em phụ nữ động viên bộ đội ta chiến đấu rất tốt.

Đặc biệt, Hội mẹ chiến sĩ trong hoạt động chăm lo đời sống vật chất và tinh thần, Hội mẹ xem các chiến sĩ như là con ruột của mẹ. Bà mẹ chiến sĩ nào cũng làm tốt việc chăm sóc từng miếng ăn, giấc ngủ kể cả manh áo. Việc làm của các mẹ lo cho từng chiến sĩ, có khác nào những việc làm cho chính con ruột của mình.

Cũng trong thời gian năm 1947, Chi bộ tiến hành xây dựng hệ thống chính quyền xã theo sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Trà Vinh, Huyện ủy Trà Cú. Chi bộ tổ chức thực hiện việc bỏ phiếu bầu Hội đồng Nhân dân xã khóa I (1947 – 1948). Các mặt công tác chuẩn bị cho bầu cử, xã cùng với ban cán sự ấp tổ chức tuyên truyền vận động đến từng ấp. Công dân từ 18 tuổi trở lên (trong độ tuổi đi bầu) đều được ta tập hợp tuyên truyền vận động nhiều đợt. Tất cả cử tri đều nắm được mục đích yêu cầu bầu cử. Tiếp theo, chi bộ tập trung tuyên truyền bằng hình thức: Băng, cờ, khẩu hiệu được nêu rõ ý nghĩa về phổ thông đầu phiếu, giới thiệu đại biểu ra ứng cử. Đây là cuộc sinh hoạt chính trị ở nông thôn, cử tri trong xã giới thiệu đại biểu và bầu những đại biểu có tài, có đức vào cơ quan Hội đồng Nhân dân xã.

“Đây là cuộc bầu cử dân chủ trực tiếp đầu tiên có bài bản ở cấp xã kể từ ngày tổng khởi nghĩa tháng Tám thành công. Các xã An Quảng Hữu, Lưu Nghiệp Anh, Tập Sơn, Ngãi Xuyên, Đại An là những xã có tỷ lệ người đi bầu cao nhất, đúng với tinh thần toàn dân đầu phiếu”[14]

Khi bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân xong, các đại biểu Hội đồng Nhân dân xã bầu ra Ủy ban kháng chiến hành chính xã Tập Sơn, gồm:

- Ông Trang Kia (Hương sư Kia), Chủ tịch.

- Ông Phát Đạt (Giáo Đạt), Phó chủ tịch.

- Ông Lục Vĩnh Phát (Xã Tên), Tổng thư ký.

- Đồng chí Nguyễn Văn Nghệ, Xã đội trưởng.

- Đồng chí Lê Văn Hợi (Hai Hợi), Trưởng Công an (Lúc này đồng chí Trần Văn Sự được rút về huyện Trà Cú).

Chính quyền xã bắt tay vào nhiệm vụ. Công việc đặt ra bước đầu là thực hiện sách lược nông thôn: “Dựa vào cố, bần, trung nông, liên hiệp với phú nông, phân loại địa chủ (lôi kéo địa chủ tiến bộ, phân hóa, tranh thủ địa chủ lưng chừng, đánh đổ tận gốc địa chủ phản động)”. Sách lược đó khi được cụ thể vào tình hình thực tế. Xã Tập Sơn không còn loại địa chủ phản động.

Việc thực hiện chính sách tạm cấp ruộng đất lúc này xã Tập Sơn tập trung giải quyết: Tạm giao, tạm cấp cho từng hộ nông dân nghèo; gia đình chính sách, thương binh, liệt sĩ, cho số bần, cố nông đang làm trên mảnh đất ruộng được giữ đất để canh tác. Thực hiện việc tạm cấp đất cho trung nông, hoặc người ở xa tản cư đến ở hiện chưa có ruộng để sản xuất. Những người được tạm cấp, tạm giao ruộng đất đều có giấy chứng nhận của Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh cấp.

Thời gian này ở Tập Sơn, số địa chủ tiến bộ đã hiến điền, hiến đất, bỏ thu tô theo chủ trương của Mặt trận Việt Minh như Hứa Phọ (Cả Phọ, ấp Leng), Huỳnh Ướng (Chủ Ướng), Châu Long Tập (Sáu Chíp – Bến Thế), Nguyễn Thâm Canh (Chủ Canh – Đồn Điền), Trịnh Sa,… Có một số địa chủ bị Pháp lừa mị lên Thị xã Trà Vinh hay Sài Gòn. Với số địa chủ vắng mặt, ta cũng xem xét cụ thể. Nếu không phải loại phản động thì ruộng đất họ, chính quyền cách mạng tạm quản lý cho nông dân nghèo canh tác, khi họ trở về sẽ được nhận lại.

Chính quyền và Chi bộ Đảng Tập Sơn còn thực hiện tốt quyết định 68 và nghị quyết 15 của Ủy ban kháng chiến hành chính Nam Bộ tạo công ăn việc làm cho nông dân. Nông dân Tập Sơn xem ruộng đất được cấp là quyền lợi chính đáng, thiết thực của họ nên ngày càng bám đất sản xuất gắn bó với cách mạng. Quyết tâm xây dựng vùng giải phóng, làm tốt nghĩa vụ công dân. Thấm nhuần lời dạy của Hồ Chủ tịch: “Ruộng rẫy là chiến trường, cuốc cày là vũ khí, nhà nông là chiến sĩ, hậu phương thi đua với tiền phương”.

Ngày 11/6/1948, Trung ương Đảng ra Chỉ thị“Phát động phong trào thi đua ái quốc”. Đây là cuộc vận động chính trị sâu rộng trong nam phụ lão ấu của tất cả mọi thành phần, động viên toàn quân toàn dân ra sức thi đua làm cho kháng chiến mau đi đến thắng lợi, kiến quốc chóng thành công.

Hồ Chủ Tịch kêu gọi:

- Diệt giặc đói.

- Diệt giặc dốt.

- Diệt giặc ngoại xâm.

 Làm cho nhanh, làm cho tốt, làm cho nhiều.

 Người người thi đua, ngành ngành thi đua.

 Ta nhất định thắng, địch nhất định thua.

Với tinh thần yêu nước và nhiệt tình cách mạng, Nhân dân và các lực lượng vũ trang huyện Trà Cú nói chung, xã Tập Sơn nói riêng, ai cũng hăng hái lập thành tích. Các ngành, các giới hoạt động hiệu quả, chất lượng ngày càng cao.

Trong đợt vận động phong trào thi đua này, xã Tập Sơn phát triển trồng bông vải, dệt vải ta để may mặc, sản xuất lương thực đa dạng hơn trước đây. Xã canh tác được lúa, bắp, khoai mì, dưa hấu. Quan hệ với các xã Lưu Nghiệp Anh, An Quảng Hữu trồng mía sản xuất đường. Liên kết với Đại An, trồng tre trúc đan đát các mặt hàng thủ công. Động viên các gia đình hăng hái chăn nuôi, trồng trọt, làm ra các mặt hàng cần thiết phục vụ tiêu dùng,…

Song song với thực hiện các nội dung thi đua nêu trên, xã Tập Sơn còn thi đua làm nhiệm vụ đón tiếp, nuôi chứa các cơ quan, đơn vị cấp Nam Bộ, cp Khu, cấp Tỉnh về làm việc ở trong nhà Nhân dân như Sở Y tế quân dân Nam Bộ, Quân y vụ Khu 8 ở nhà Nguyễn Thâm Canh (Chủ Canh) ấp Đồn Điền; Trường quân chính Khu 8 ở nhà Hứa Phọ (Cả Phọ) ấp Leng; Nhà văn hóa kháng chiến ở nhà Huỳnh Ướng (Chủ Ướng) Bến Thế; Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh ở nhà người Khmer ấp Cây Da. Các đơn vị chủ lực Quân khu 8 như D307, 308, 309, 310, 312. Bộ đội Liên quân Miên Việt (Issarak) tỉnh, D331 Tỉnh và các đơn vị vũ trang tỉnh. Đại đội 936 vốn là Đại đội 999 của Trung đoàn 111; Đại đội 937 hầu hết là học viên khóa 2 của trường quân chính khu 8 đặt tại Tập Sơn[15].Các đơn vị Địa phương quân huyện, du kích xã đều đóng ở nhà dân làm việc “Cùng ăn, cùng ở, cùng làm”, thật đậm tình quân dân cá nước.

Tham gia diệt đồn La Bang.

Bộ Tư lệnh Quân khu 8 họp với Ban Thường vụ Tỉnh ủy, có Ban Thường vụ Huyện ủy Trà Cú dự, bàn phương án diệt đồn La Bang. Áp dụng chiến thuật “Công đồn đả viện”. Sau đó xây dựng phương án đánh đảm bảo hoàn thành chiến dịch. Huyện ủy Trà Cú làm công tác giao việc cho các Bí thư xã tập trung lực lượng phục vụ chiến dịch. Đồng thời làm công tác tư tưởng cho đồng bào, sư sãi hiểu, ủng hộ đánh đồn địch đóng trong chùa.

Chuẩn bị trận đánh, Thanh niên cứu quốc huyện, xã đưa dân công tải lương thực, tải vũ khí. Phụ nữ huyện, xã động viên chị em phục vụ hậu cần, nấu ăn, chăm sóc thương, bệnh binh. Huyện đội và các xã đội đưa du kích phối hợp lực lượng vũ trang khi cần.

Tham gia diệt đồn La Bang, đơn vị xã Tập Sơn, đồng chí Nguyễn Văn Nghệ (Mười Nghệ) xã đội trưởng đưa 15 du kích xã và 25 dân công phục vụ trận diệt đồn La Bang (bắt đầu ngày 15/12 đánh công đồn, kết thúc ngày 18/12/1948 bằng trận đả viện). Từ chuẩn bị trận đánh đến tổ chức trận đánh, đơn vị Tập Sơn luôn hoàn thành nhiệm vụ, góp phần cho trận đánh lớn này giành thắng lợi.

Trận diệt đồn La Bang đã ghi lại dấu ấn sáng ngời trong lịch sử chống thực dân Pháp ở Trà Vinh. Ca khúc “Tiểu đoàn 307” của nhạc sĩ Nguyễn Hữu Trí, thơ Nguyễn Bính, có đoạn“Trận Tháp Mười, trận Mộc Hóa vang tiếng đồn với trận La Bang...”. 

Kết hợp chống càn: Cuối năm 1949, giặc Pháp dùng tàu chiến đổ quân từ vàm An Quảng Hữu theo hương lộ đi xuyên ngang xã Tập Sơn theo Tỉnh lộ 36 tiến lên xã Phước Hưng. Cuộc hành quân này, giặc Pháp càn đến đâu thì đốt nhà dân, cướp của, bắn giết trâu bò, heo và bắt người đánh đập tàn nhẫn đến đó.

Chống lại cuộc càn, trên địa bàn xã Tập Sơn, Đại đội 991 của tỉnh, phối hợp lực lượng vũ trang huyện và du kích xã Tập Sơn chặn đánh quân Pháp (Ma rốc) tại ấp Leng, gây cho chúng một số thiệt hại. Nhưng địch quá đông nên quân ta rút để bảo toàn lực lượng.

Tình hình Tập Sơn sau cuộc càn lớn của giặc Pháp cuối năm 1949

Tháng 12/1949, Pháp lấn chiếm rồi đóng chốt ở ấp Bến Chùa - Phước Hưng. Vùng giải phóng của ta bị địch càn, cắm quân thường xuyên. Vùng căn cứ có nguy cơ bị bể. Những cơ quan đơn vị đóng ở địa bàn Tập Sơn: Các đơn vị cấp Nam Bộ, cấp Khu quyết định dời căn cứ qua Đồng Tháp Mười. Các đơn vị của tỉnh Trà Vinh lần lượt dời căn cứ qua các xã Đại An, Hàm Giang, Lưu Nghiệp Anh, Long Vĩnh, Long Toàn, Trường Long Hoà hoặc sang Cù lao Dung (Sóc Trăng) để tạm lánh.

Cùng thời gian này, Pháp chiếm xã Phước Hưng lấy làm quận lỵ tạm, lấn dần sang đất Tập Sơn. Đồng chí Nguyễn Văn Nghệ (Mười Nghệ), Xã đội trưởng, rút lực lượng du kích về các ấp Ông Rùm, Trà Mềm, phục kích bắn tỉa làm chết và bị thương 10 tên địch.

Sang năm 1950, Pháp cho đóng bót chợ Tập Sơn và dời quận lỵ từ Phước Hưng về chợ Ngã Ba, đưa Bùi Duy Xây (Cai Xây) làm quận trưởng. Địch gom một số tề cũ xã Tập Sơn về bổ sung lập tề mới. Đưa Kim Kiên làm Hương Cả; tập hợp Chủ Cường, Xã Ét, Hương quản Xuân để kìm kẹp chặt. Chi bộ Đảng và du kích rút về căn cứ lõm ở Ông Rùm, Trà Mềm và Ô. Cán bộ xã, ấp số ở công khai rút vào hoạt động bí mật. Địch đóng thêm bót Chùa Tháp, bót Bến Trị (còn gọi là bót bể).  

Chi bộ Đảng, quân dân xã Tập Sơn tham gia phục vụ Chiến dịch Trà Vinh

Chiến dịch Trà Vinh được mở ngày 07/3/1950 nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch. Đồng thời kềm chân địch để quân chủ lực miền Bắc tiêu diệt đại bộ phận địch.

Chiến dịch Trà Vinh được bố trí ba mặt trận lớn là A, B và C gồm nhiều tiểu đoàn chủ lực quân khu như 307, 308, 309, 310 và 312. Mặt trận A từ xã Phước Hưng, Tập Sơn, An Quảng Hữu. Những xã còn lại của Trà Cú cùng với các xã bạn ở Cầu Ngang, Châu Thành, Tiểu Cần nằm trong mặt trận B và C.

Đến ngày 07/5/1950, chiến dịch Trà Vinh kết thúc. Chiến dịch diễn ra 30 trận, diệt 659 tên lính Âu Phi và bảo an, trong đó có 350 tên bị diệt, 125 tên bị bắt và 184 tên đầu hàng. Ta thu nhiều vũ khí, quân trang, quân dụng. Lực lượng vũ trang huyện Trà Cú và du kích xã Tập Sơn đã góp phần tích cực làm phá sản chiến thuật tháp canh của Đờ La Tua (De Latour). 

Tháng 7/1950[16], Ủy ban kháng chiến hành chính Nam Bộ thực hiện chính sách tạm cấp đất cho dân cày. Người dân chỉ phải nộp thuế nông nghiệp bằng một phần mười huê lợi.“Theo kế hoạch, Tỉnh ủy, Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh giao cho đồng chí Trần Văn Long (Bí thư Huyện ủy Trà Cú) và đồng chí Tám Vĩ (Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính huyện Trà Cú) trực tiếp chỉ đạo và theo dõi tiến độ thực hiện các bước công tác”[17].

Xã Tập Sơn không thành lập Hội đồng tạm cấp đất, chỉ phân công đồng chí Nguyễn Văn Kế, Bí thư và đồng chí Lâm Văn Trọng, Huyện ủy viên trực tiếp lãnh đạo xã. Các đồng chí trưng dụng cán bộ văn phòng xã làm tham mưu để lãnh đạo huyện, xã trực tiếp lãnh chỉ đạo việc trang trải ruộng đất trên cơ sở nguyên canh. Mỗi lao động từ 16 tuổi trở lên được chia 3 công đất. Trong quá trình hoạt động, những đồng chí làm nhiệm vụ cấp đất, có cách làm sáng tạo. Đối với nông dân quá nghèo, không có khả năng mua lúa giống thì xã vận động nhường cơm xẻ áo. Đến vụ mùa, ai cũng có giống cấy trồng kịp thời vụ. Ngoài ra, xã còn kết hợp với từng ấp vận động tăng gia sản xuất, phát động vạn vần đổi công, khuyến khích đồng bào Khmer có trình độ học vấn và kinh nghiệm canh tác, áp dụng vào đồng lúa của mình để phát triển nông nghiệp. Với sự quan tâm chăm lo đời sống người dân như thế cho nên toàn thể Nhân dân Tập Sơn hăng hái lao động, trồng và chăm bón lúa tốt. Năng suất lúa tăng từ gấp rưỡi đến gấp đôi so với trước cách mạng tháng Tám.

Trong thời gian này, xã Tập Sơn có sự kiện lịch sử:

Ngày 27/6/1951, Ủy ban kháng chiến hành chính Nam Bộ ra Nghị định 174/NĐ -51 về sáp nhập 20 tỉnh Nam Bộ còn lại 11 tỉnh (trong đó hai tỉnh Trà Vinh và Vĩnh Long sáp nhập lại thành tỉnh Vĩnh Trà) và Nghị định 199/NĐ ngày 17/8/1951 thành lập huyện Duyên Hải. Cầu Ngang đưa 3 xã, Trà Cú đưa 1 xã là xã Long Vĩnh về Duyên Hải và Huyện ủy Trà Cú cụ thể hóa tình hình lúc bấy giờ, tiến hành sáp nhập hai xã Phước Hưng và Tập Sơn thành xã Phước Sơn.

Chi bộ Đảng xã Phước Sơn được hình thành:

- Đồng chí Đỗ Thành Tự (Bảy Bừ), Bí thư.

- Đồng chí Nguyễn Văn Kế (Bảy Kế), Phó Bí thư.

- Đồng chí Tạ Văn Hưng (Hai Hưng), Phó Bí thư.

- Đồng chí Huỳnh Văn Chì (Hai Chì), Thường vụ chi ủy.

- Đồng chí Nguyễn Văn Nghệ (Mười Nghệ), Xã đội trưởng.

- Đồng chí Nguyễn Văn Xồm (Ba Xồm), Trưởng công an.

- Đồng chí Nguyễn Thị Lực (Ba Lực), Hội trưởng phụ nữ xã.

Đảng số chung hai xã có 23 đảng viên và một số cán bộ cốt cán ngoài Đảng.

Chi bộ Đảng của một xã mới Phước Sơn xác định nhiệm vụ trọng tâm trong lúc này là tiến hành thực hiện chính sách tạm thời quy định về thu thuế nông nghiệp cho xã có đông đồng bào Khmer do Chính phủ ban hành ngày 15/7/1951.

Chi bộ xã Phước Sơn tiếp thu Nghị quyết của Tỉnh ủy Vĩnh Trà:

- Tiến hành công tác địch, ngụy vận, chống bắt lính, đôn quân.

- Củng cố cơ sở nơi đã có, xây dựng nơi chưa có.

- Động viên Nhân dân tích cực tăng gia sản xuất, không để ruộng đất cách mạng tạm cấp cho địch xáo trộn. Chống số địa chủ dựa vào thực dân Pháp ngóc đầu dậy, bóc lột địa tô.

- Củng cố du kích xã, tổ chức du kích mật, củng cố giao liên, xây dựng căn cứ, bảo vệ cơ quan lãnh đạo đóng trên địa bàn.

- Chống địch tổ chức bầu cử, phản đối việc Pháp trao quyền cho Bảo Đại và bọn bù nhìn ngụy tay sai.

Khi tiếp thu nghị quyết Tỉnh ủy, Chi bộ Phước Sơn xây dựng kế hoạch phát triển phong trào Nhân dân du kích chiến tranh. Du kích thi đua giết giặc lập công. Nông dân thi đua tăng gia sản xuất. Các đoàn thể quyết tâm xây dựng căn cứ lõm ở các ấp Ô Rung, Xóm Đồng, Ông Rùm, Trà Mềm và ấp Ô để đứng chân hoạt động.

Chính quyền xã Phước Sơn trong lúc này cũng được thành lập:

- Đồng chí Từ Bá Khuê, Chủ tịch.

- Đồng chí Hứa Lư (Năm Lự), Phó Chủ tịch.

- Xã Khánh (tề cũ tiến bộ), Ủy viên Thư ký.

Đảng, chính quyền, đoàn thể xã Phước Sơn tiếp tục thực hiện sách lược nông thôn mà Huyện ủy Trà Cú phổ biến:“Dựa hẳn vào cố, bần và trung nông mới, lôi kéo phú nông, liên hiệp với địa chủ tiến bộ, tranh thủ địa chủ lưng chừng, kiên quyết đánh đổ địa chủ phản động”. Bên cạnh đó, xã còn cùng với đoàn cán bộ Tỉnh ủy, trong Hội đồng tạm cấp tỉnh đưa hai đồng chí Nguyễn Kiến Nghĩa và Nguyễn Ngọc Thanh về chỉ đạo rà soát, điều chỉnh việc tạm cấp, tạm giao ruộng đất ở địa bàn Phước Sơn. Qua đợt rà soát, Phước Sơn thực hiện đúng chính sách thuế nông nghiệp, đảm phụ quốc phòng cho chính quyền cách mạng. Chính quyền địa phương còn có sáng kiến động viên Nhân dân tham gia“hũ gạo nuôi quân”, “con gà cứu quốc”… hăng hái tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm cho gia đình.

Cuối năm 1951, Tiểu đoàn chủ lực 310 phân tán, tăng cường cho Hàm Giang, Đôn Châu và đưa về xã Phước Sơn một trung đội, kết hợp du kích xã hoạt động vừa bám trụ tiến hành công tác dân vận và Khmer vận, xây dựng được một số cơ sở phục vụ cho kháng chiến lúc bấy giờ.

*Bộ máy tề xã Phước Sơn

Trong lúc ta sáp nhập hai xã lại, địch vẫn giữ nguyên địa bàn hai xã Phước Hưng và Tập Sơn.

Tại xã Phước Hưng, Hương quản Kim Hơi vẫn tăng cường hoạt động theo âm mưu của bọn chính quyền thực dân Pháp. Tại xã Tập Sơn địch quản lý, phân công ban hội tề, gồm Kim Kiên (Cả Kiên), Kim Cương (Chủ Cương), Hương quản Xuân và Xã Ét.

Địch tăng cường đóng đồn bót, tháp canh[18] ở Đầu Giồng, ấp Trạm, Chòm Chuối, Bến Chùa, Bà Tây, Tua[19] Sáu Nhỏ và Tua Sân banh (án ngữ bót chợ Trà Trót), Bến Thế, Chùa Tháp, Bến Trị và bót Leng.

Pháp đưa đại đội 706 Commandos, bọn lính Âu Phi thường xuyên đánh biệt kích, phục kích, tập kích nhằm vào các căn cứ lõm ở Ô Rung, Xóm Đồng, Ông Rùm, Trà Mềm, ấp Ô. Chúng càn đến đâu thì tiến hành bắt bớ, đánh đập, cướp của, giết người, hãm hiếp đến đó. Đồng bào các dân tộc Kinh – Khmer – Hoa ở Phước Sơn đều căm thù giặc.

*Tình hình ta và những hoạt động kháng chiến

Từ năm 1952 trở về sau vì địa bàn hoạt động thu hẹp, chi bộ xã Phước Sơn chủ trương xây dựng cơ sở trong lòng địch, tận dụng các loại vũ khí thô sơ, bén nhọn để chiến đấu, phục kích, bắn tỉa địch lúc chúng đi ruồng bố…

Tháng 3/1952, du kích xã bao bót Chùa Tháp, diệt tên Xếp Nịch ác ôn và kêu gọi binh lính bót Bến Trị (bót bể), toàn bộ lính bót này ra hàng. Quá trình hoạt động kháng chiến trong thời gian này trên địa bàn xã, ta diệt 5 tên ác ôn; sau đó công tác địch, ngụy vận phát huy, vận động 93 binh sĩ Khmer ở các bót Đầu Giồng, Trạm, Bến Chùa, Bà Tây, bót Leng rã ngũ về nhà làm ăn. Có 34 lính dân vệ ra đầu hàng và nạp vũ khí. Ta giáo dục xong, thả về.

Chi bộ xã Phước Sơn có lúc phải ly hương sang ở tạm ấp Chánh Hội (Tập Ngãi), Từ Ô (Hùng Hoà) để lánh địch. Tháng 10/1952, tiểu đội Commandos đánh biệt kích vào ấp Ô Rung lúc nửa đêm. Đồng chí Lâm Hai và Ba Khanh phát hiện, chỉ huy du kích chặn đánh. Địch rút chạy, ta bắt được 1 tên ách (ách: là chức vụ chỉ huy) chỉ huy tiểu đội Commandos.

“Chi bộ Đảng, quân, dân xã Phước Sơn phấn khởi khi được Huyện cho biết, bọn Pháp chịu trao đổi tù binh (một số sĩ quan Pháp) bị ta bắt trận La Bang. Điểm trao đổi là chùa Phật giáo Khmer Tham Đua xã Đôn Châu. Pháp đưa bác sĩ thú y Trần Văn Du bị chúng bắt cuối năm 1948 tại ấp Đồn Điền xã Tập Sơn để trao trả. Buổi gặp mặt trao đổi, sĩ quan Pháp được ta đem trao đổi phát biểu với nhiều tình cảm với quân đội Việt Minh”[20].

Năm 1953, địa bàn Trà Cú vẫn ác liệt. Từ xã Phước Sơn đến Đại An, Đôn Châu có đơn vị của Léon Leroy từ Bến Tre sang. Chúng kết hợp Tiểu đoàn bảo an tỉnh, huyện, có những tên ác ôn như Tịch Mưng, Một Giàu, Một Nhi. Chúng chuyên bắt bớ, đánh đập, hãm hiếp phụ nữ. Sau đó chúng càn qua địa bàn Long Vĩnh (Duyên Hải).

Ngày 05/5/1953, sau khi bọn Commandos bắn đồng chí Châu ở Lưu Nghiệp Anh, chúng quần qua Tập Sơn phục kích đồng chí Nguyễn Văn Xồm (Ba Xồm) trưởng công an xã Phước Sơn ở Đồng Cò. Hai đồng chí của ta khi lọt vào tay của bọn này đều bị chúng cắt đầu, đem về bót Commandos tại sân bay Trà Vinh để báo công.

Thời gian này, xã Tập Sơn tiếp thu chủ trương của Bộ Chính trị “mở cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 – 1954 bằng 3 đòn tiến công lớn tiêu diệt địch ở Lai Châu, giải phóng hoàn toàn Tây Bắc… mở rộng vùng giải phóng tới sau lưng Sài Gòn, đánh thông đường chiến lược Bắc – Nam Đông Dương, giành lấy địa bàn chiến lược Tây Nguyên, phá âm mưu bình định miền Nam của địch”[21]. Thực hiện chủ trương trên, Chi bộ xã Phước Sơn lãnh đạo cán bộ, đảng viên, chiến sĩ toàn xã hướng vào nhiệm vụ: Tiêu diệt sinh lực địch. Phá âm mưu “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt đánh người Việt” của địch. Bồi dưỡng lực lượng Nhân dân, lực lượng kháng chiến. Bên cạnh đó, tập trung vào bốn công tác chính:

- Thi đua tăng gia sản xuất và tiết kiệm.

- Đẩy mạnh công tác vùng sau lưng địch.

- Chỉnh quân.

- Chỉnh Đảng.

Đến năm 1954, do ảnh hưởng ta đánh mạnh ở Bắc Bộ, chi bộ Đảng, chính quyền, đoàn thể không còn phân tán mà tập trung về xã Phước Sơn. Chi bộ xây dựng lực lượng, hưởng ứng chiến dịch Điện Biên Phủ. Thời gian này, xã đội đưa du kích bao vây bót Đầu Giồng, bót Leng, đồng thời phát triển cơ sở trong lòng địch, tập trung tuyên truyền lính Commandos. Bọn lính này và một số tề lính đi tìm cán bộ xã xin tha tội và hứa sẽ làm nội ứng khi ta cần.

Trong quá trình tiến công cứ điểm Điện Biên Phủ, quân dân Trà Cú nói chung và Phước Sơn nói riêng đã tập trung lực lượng đánh giao thông, bao vây các đồn chốt trong huyện, góp phần căng kéo địch ra để quân ta tập trung thực hiện chiến dịch lớn đánh địch.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, các tiểu đoàn ứng chiến của địch ở địa bàn Trà Vinh đã rút đi hết. Niềm vui sướng tràn ngập trong lòng mọi người. 

Tóm lại, dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy Trà Cú, 9 năm kháng chiến chống Pháp, xã Phước Sơn (gồm Phước Hưng và Tập Sơn) thực hiện tốt ba phong trào “diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”. Xây dựng đời sống mới. Làm tốt công tác tạm giao, tạm cấp đất cho Nhân dân. Không ngừng phát triển tổ chức từ xã đến ấp, xây dựng tình đoàn kết các dân tộc, đoàn kết lương giáo, xây dựng phong trào cách mạng đủ sức đánh quân Pháp quay lại đánh chiếm. Xây dựng lực lượng vũ trang lớn mạnh đánh địch đi ruồng bố. Kết hợp với các đơn vị huyện, tỉnh đánh địch, đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn của địch, giải phóng hoàn toàn xã Phước Sơn (Phước Hưng và Tập Sơn) góp phần cùng cả nước kết thúc thắng lợi công cuộc kháng chiến chống Pháp.

Lần đầu tiên trong lịch sử, một nước thuộc địa nhỏ yếu đã đánh thắng một nước thực dân hùng mạnh. Đó là thắng lợi vẻ vang của Nhân dân Việt Nam. Cùng với các lực lượng hòa bình và tiến bộ trên thế giới, Việt Nam đã đóng góp xứng đáng vào phong trào giải phóng dân tộc, mở ra một kỷ nguyên mới: kỷ nguyên giành độc lập cho các nước thuộc địa.

Nhân dân xã Tập Sơn và Phước Hưng đã tin tưởng Đảng, theo Đảng chiến đấu và chiến thắng quân xâm lược kiểu cũ (thực dân Pháp), giải phóng quê hương. Nhưng đế quốc Mỹ đã có âm mưu thay chân thực dân Pháp tiến hành xâm lược nước ta bằng động thái bỏ tiền ra, giúp bọn thực dân cũ tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam. Chúng ỷ vào lực lượng quân đội chính quy, trang bị hiện đại, có kinh nghiệm xâm lược, chiếm đóng. Chúng tin sẽ tiến hành một kiểu chiến tranh xâm lược giấu mặt mà vẫn thắng được quân dân Việt Nam để áp đặt một chính sách thực dân kiểu mới của Mỹ. Nhưng truyền thống chống ngoại xâm kiên cường bất khuất của Nhân dân Việt Nam đã có từ lâu và chiến thắng nhiều tên xâm lược. Nhân dân Việt Nam nói chung và Nhân dân xã Phước Sơn nói riêng một lòng tin Đảng, sẵn sàng đối phó với mọi tình thế khi địch cố tình không thực hiện Hiệp định Genève.

 



[1] Lịch sử truyền thống cách mạng của Đảng bộ và Nhân dân huyện Trà Cú (1930 – 2010), tr.21.

[2]70 năm thắng lợi vẻ vang, tr.17

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia. Hà Nội, 2000, tr.756, 757.

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Sdd, t.6, tr.756, 757.

[5] Đảng Cộng sản Việt Nam: Sdd, t.6, tr.756, 757.

 

[6] Đây là cờ của Thanh niên Tiền phong.

[7] Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam. Nxb. Sự Thật, tr.399, 400.

[8] Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động khởi nghĩa 15-8-1945.

[9] Năm 1865, là năm vua Tự Đức ra lệnh:  “Sao toàn văn Hiệp ước 5/6/1862 và dán khắp nơi để Nhân dân ba tỉnh Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên, không ai được chiêu mộ nghĩa binh đánh Pháp nữa…” Đến năm 1945 ta giành được chính quyền về tay Nhân dân. Tính từ 1865 đến 1945 là 80 năm.

[10] Theo lời kể của đồng chí Lâm Văn Trọng trong Ban lãnh đạo xã Tập Sơn.

[11] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.4, tr.120

[12] Lịch sử truyền thống cách mạng của Đảng bộ và Nhân dân huyện Trà Cú (1930 – 2010), các tr.61, 62.

[13] Đến Hội nghị Ban Thường vụ Huyện ủy Trà Cú khóa V nhất trí chọn ngày 31/12 hàng năm làm ngày kỷ niệm truyền thống cho huyện.

[14] Xem thêm Lịch sử truyền thống cách mạng của Đảng bộ và Nhân dân huyện  Trà Cú (1930 – 2010), các tr.63, 64.

[15] Lịch sử tỉnh Trà Vinh – tập Hai – trang 95.

[16] Tháng 6/1949, chủ trương của Trung ương về “tạm cấp đất cho dân cày” vào tới Nam Bộ.

[17] Lich sử tỉnh Trà Vinh tập Hai – trang 91.

[18] Tháp canh: Chòi xây cao để canh gác, quan sát.

[19] Tua ở đây nói một vòng bót, mỗi bót cách nhau không quá 2.000 mét.

[20] Lịch sử tỉnh Trà Vinh - tập 2 –tr.134.

[21] Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam – sơ thảo, trang 683.

LƯỢT TRUY CẬP
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 4
  • Trong tuần: 28
  • Tất cả: 3849