LỊCH SỬ TRUYỀN THỐNG CÁCH MẠNG CỦA ĐẢNG BỘ VÀ NHÂN DÂN XÃ TẬP SƠN (1930 - 2015) TẬP 1 - PHẦN MỞ ĐẦU
PHẦN MỞ ĐẦU TẬP SƠN – VÙNG ĐẤT – CON NGƯỜI VÀ TRUYỀN THỐNG ĐẤU TRANH YÊU NƯỚC

ĐẢNG BỘ HUYỆN TRÀ CÚ

ĐẢNG ỦY XÃ TẬP SƠN

 

LỊCH SỬ

TRUYỀN THỐNG CÁCH MẠNG CỦA

ĐẢNG BỘ VÀ NHÂN DÂN XÃ TẬP SƠN

(1930 - 2015)

Anh-tin-bai

 

 Chủ tịch Hồ Chí Minh

(1890-1969)

 

Anh-tin-bai

 

Anh-tin-bai

 

LỜI GIỚI THIỆU

Xã Tập Sơn (nay là Tập Sơn và Tân Sơn) là một trong những đơn vị anh hùng của huyện Trà Cú, là cửa ngõ vào huyện lỵ Trà Cú bằng quốc lộ 53, quốc lộ 54 từ Trà Vinh qua, là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng.

 Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, xã Tập Sơn là một xã lớn có 13 ấp, trong đó có 9 ấp địch kìm chặt, số ấp còn lại ta xây dựng căn cứ lõm, bám trụ lãnh đạo vận động Nhân dân thực hiện phong trào toàn dân đánh giặc giành thắng lợi từng phần đến thắng lợi toàn diện, giải phóng xã vào ngày 30/4/1975.

Người dân trong xã sống chủ yếu bằng nghề sản xuất nông nghiệp, một số ngành nghề tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ thương mại của xã cũng phát triển theo. Chợ xã là một trong những chợ trung tâm của huyện Trà Cú.

Cộng đồng dân cư Kinh - Khmer - Hoa Tập Sơn sống đoàn kết gắn bó ngay từ lúc cha ông ta mở cõi khai phá vùng đất phương Nam cách đây hơn 300 năm. Người Hoa mua bán. Người Kinh, người Khmer sống bằng nghề nông, sản xuất lúa gạo, cây trái hoa màu lương thực, chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản.

Trải qua các thời kỳ đấu tranh cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, mà trực tiếp là Huyện ủy Trà Cú, Đảng bộ, quân, dân xã Tập Sơn luôn nêu cao tinh thần đoàn kết dân tộc, đoàn kết lương giáo, động viên được phong trào thi đua yêu nước, huy động được sức mạnh của toàn Đảng, toàn dân, phát huy những truyền thống tốt đẹp của ông cha, vượt qua gian khó, hiểm nghèo, tạo ý chí tự lực tự cường góp phần cùng đồng bào, đồng chí trong huyện, trong tỉnh và cả nước lập nên những thành tích vẻ vang trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Những chặng đường lịch sử trong xã được chứng minh, trong kháng chiến quân và dân Tập Sơn vừa kiên cường chiến đấu bảo vệ quê hương đất nước vừa làm địa bàn cho cấp Nam Bộ, cấp Khu, cấp Tỉnh về làm việc ở trong nhà dân (từ 1947 – 1949). Hai chiến dịch lớn: Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân – 1968, Đảng bộ – quân – dân Tập Sơn kết hợp với trên đánh chiếm Phân Chi khu Tập Sơn vào tháng 12/1967 để cho các xã bạn dễ đứng chân trên địa bàn thực hiện tổng tiến công - 1968 và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử 30/4/1975. Để làm được điều đó bao nhiêu xương máu, mồ hôi, nước mắt của nhiều thế hệ đồng bào, đồng chí du kích trong xã đã chiến đấu anh dũng, đầy gian khổ hy sinh. Trong xây dựng và phát triển, Đảng bộ, quân, dân Tập Sơn (có xã Tân Sơn tách ra), sáng suốt phát huy truyền thống, khí thế sau chiến thắng quân xâm lược, bắt tay ngay vào nhiệm vụ khắc phục hậu quả chiến tranh, tập trung xây dựng quê hương, tạo ra nhiều bước ngoặt trong từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện chính sách người có công, xóa đói giảm nghèo, các mặt văn hóa xã hội, an ninh quốc phòng, xây dựng hệ thống chính trị phát triển đáp ứng nhu cầu cuộc sống Nhân dân.

Sự cống hiến to lớn và quý báu của Đảng bộ, Nhân dân trong xã, ngày 16/12/2014 được Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng cho Nhân dân và lực lượng vũ trang Nhân dân (theo Quyết định số 3329/QĐ-CTN).

Ghi lại những chặng đường đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội, về những sự kiện và nhân chứng lịch sử, để tỏ lòng tri ân đồng bào, đồng chí đã anh dũng hy sinh cho sự nghiệp giải phóng xã nhà, góp phần giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, đồng thời thể hiện sự ghi nhận đối với đồng chí, đồng bào đã đem hết trí tuệ, công sức đóng góp vào công cuộc đấu tranh, xây dựng quê hương đất nước, tạo được sự đồng thuận cao có tính quần chúng, quyết tâm phấn đấu xây dựng xã Tập Sơn ngày càng phát triển nhanh, bền vững theo con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Huyện ủy Trà Cú chân thành cám ơn sự chỉ đạo và giúp đỡ của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, các sở ban ngành tỉnh, quý đồng chí lão thành cách mạng, cám ơn đồng bào, đồng chí trong và ngoài xã, các cơ quan, ban ngành trong và ngoài huyện, tỉnh, đã đóng góp tận tình, cung cấp tư liệu hoàn chỉnh để xuất bản quyển “Lịch sử  truyền thống cách mạng của Đảng bộ và Nhân dân xã Tập Sơn giai đoạn (1930 – 2015)”.

Mặc dù có nhiều cố gắng trong sưu tầm tư liệu và biên soạn nhưng cuốn sách không thể tránh khỏi thiếu sót. Chúng tôi rất mong nhận được sự đóng góp của đồng chí, đồng bào, bạn đọc để khi có dịp tái bản sẽ hoàn chỉnh hơn.

Nhân kỷ niệm 44 năm ngày thống nhất đất nước (30/4/1945 – 30/4/2018), Huyện ủy Trà Cú trân trọng giới thiệu quyển “Lịch sử truyền thống cách mạng của Đảng bộ và Nhân dân xã Tập Sơn (1930 – 2015)”đến với đồng bào, đồng chí và bạn đọc gần xa.

Trà Cú, tháng  4 năm 2019

                                                                              TRẦM THỊ TRIỆT

                                                                      Bí thư Huyện ủy

 

MỞ ĐẦU

TẬP SƠN – VÙNG ĐẤT – CON NGƯỜI VÀ TRUYỀN THỐNG ĐẤU TRANH YÊU NƯỚC

 

 

I. KHÁI QUÁT CHUNG VỀ XÃ TẬP SƠN

1. Vị trí địa lý

Xã Tập Sơn nằm ở phía Bắc huyện Trà Cú, cách trung tâm huyện lỵ (thị trấn Trà Cú) khoảng 06 km, cách trung tâm tỉnh Trà Vinh khoảng 27 km. Theo hồ sơ địa giới hành chính 364/CT, vị trí hành chính của xã như sau: phía Tây giáp xã An Quảng Hữu (khi tách xã, giáp xã Tân Sơn), phía Bắc giáp xã Tập Ngãi và xã Hùng Hoà của huyện Tiểu Cần, phía Đông giáp xã Phước Hưng, phía Nam giáp xã Ngãi Xuyên.

Tên xã Tập Sơn xuất hiện từ khi hai làng Ngưu Sơn và Tập Tráng sáp nhập thành làng Tập Sơn (năm 1928). Xã Tập Sơn trước năm 1945, có 13 ấp: Bến Chùa (nay thuộc Phước Hưng). Vàm Buôn (nay thuộc Ngãi Xuyên), Bà Tây A + B, ấp Chợ, ấp Ô, Trà Mềm, Bến Trị, Thốt Nốt, Đôn Chụm, Đồn Điền, Ông Rùm và ấp Leng. Trong 13 ấp có 9 ấp nằm dọc hai bên Tỉnh lộ 36 (nay là Quốc lộ 54) và 4 ấp nằm gọn dưới hai cánh đồng là Ông Rùm, Trà Mềm, ấp Ô và Vàm Buôn.

Thời kháng chiến chống Pháp, trước tình hình địch tăng cường chiến tranh, chính quyền cách mạng có điều chỉnh lại địa bàn huyện để thuận tiện chiến đấu. Năm 1951, xã Tập Sơn và Phước Hưng sáp nhập lấy tên là “Phước Sơn”. Năm 1956, do yêu cầu nhiệm vụ cách mạng, hai xã tách ra như trước. Đến năm 2003, xã Tập Sơn được tách ra hai xã Tập Sơn và Tân Sơn. Bấy giờ các ấp: Bà Tây A, Bà Tây B, Bà Tây C, ấp Chợ, ấp Ô, Đông Sơn, Trà Mềm, Bến Trị và Cây Da thuộc xã Tập Sơn. Các ấp Đồn Điền (sau tách ra Đồn Điền A), Leng, Ông Rùm, Đôn Chụm, Thốt Nốt thuộc xã Tân Sơn (sau khi đưa xã đi vào hoạt động lập thêm ấp Chợ).  

2. Điều kiện tự nhiên

Tập Sơn có đặc điểm của gió mùa nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới. Gió nam vào mùa mưa, gió chướng vào mùa nắng, gió bấc vào những tháng lập đông, khi mưa thường có giông to.

Mùa nước lên vào tháng 9 dl mỗi năm, cao hơn mực nước bình thường từ 40 đến 50 cm.

Vùng đất Tập Sơn không có sông lớn, chỉ nhờ những nhánh sông từ các xã bạn đưa nước ngọt mang nguồn phù sa vào tưới cho đồng ruộng hàng năm như nhánh sông Trà Cú chảy vào ấp Ô, kênh Trà Măng chảy vào ấp Ông Rùm, sông Cần Chong và ngọn sông Rạch Lọp chảy qua ấp Trà Mềm, Bến Trị. Trong kháng chiến chống Pháp, xã Tập Sơn có 3 năm giải phóng (1947 – 1949). Thời gian, này ta có kế hoạch đào kênh bằng sức người nối từ rạch ấp Ô thẳng qua cống chợ Tập Sơn để nối ngọn sông ấp Trà Mềm (Ông Nguyễn Văn Trí, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh, xuống lưỡi vá đầu tiên, động viên các thành phần địa chủ tiến bộ như Hứa Phọ (Cả Phọ), Huỳnh Ướng (Chủ Ướng) và số trí thức nông thôn tham gia, được quần chúng Kinh – Khmer – Hoa xã Tập Sơn ra quân thi công một cách tích cực nên con kênh được đào hoàn thành nhanh nhất).

Xã có diện tích tự nhiên 3.441ha, Tập Sơn và Tân Sơn có 240 ha đất thổ cư, còn lại 3.108 ha đất nông nghiệp (lúa, màu và thủy sản). Khi tách xã, diện tích tự nhiên của xã Tập Sơn là 1.918 ha, Tân Sơn là 1.522 ha, diện tích đất nông nghiệp của Tập Sơn là 1.107 ha, Tân Sơn là 1.307 ha. Do có Quốc lộ 53 và Quốc lộ 54 chạy ngang qua là điều kiện thuận lợi để xã phát triển sản xuất hàng hóa; mở rộng giao lưu kinh tế, ứng dụng khoa học kỹ thuật và tiếp nhận thông tin để phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân trong xã. 

II. DÂN TỘC, TÔN GIÁO, KHU DÂN CƯ

1. Dân tộc: Xã Tập Sơn có cộng đồng ba dân tộc Kinh – Khmer – Hoa cùng sinh sống trước khi lập làng (1928). Người Kinh, người Hoa di dân đến khai phá lập nghiệp. Người Kinh ở ven sông, rạch; người Khmer ở trên vùng đất giồng. Họ cùng nhau lập ruộng vườn, và dần dần phát triển thành ấp, làng, phum sóc. Sau năm 1928, vùng đất này thuộc Tổng Ngãi Hòa Thượng. Tổng gồm 5 làng: Tập Sơn, An Quảng Hữu, Ngãi Sơn, Lưu Nghiệp Anh, Thanh Xuyên.

Trong kháng chiến chống Mỹ, tổng số hộ trong xã là 952 hộ, với 5.714 người. Dân tộc Kinh có 2.127 người, chiếm tỷ lệ 37,22%, dân tộc Khmer 3.542 người, chiếm tỷ lệ  62%, dân tộc Hoa 45 người, chiếm tỷ lệ 0,78%.

Hiện nay, xã Tập Sơn có 2.760 hộ, dân số 11.391 người. Dân tộc Kinh có 953 hộ, chiếm tỷ lệ 35,7%. Khmer có 1.807 hộ, chiếm tỷ lệ 64,2%, Hoa có 3 hộ chiếm tỷ lệ 0,1%. Xã Tân Sơn có 1.886 hộ, dân số 7.226 người, trong đó dân tộc Khmer là 4.694 người, chiếm tỷ lệ 65%, dân tộc Hoa 4 người, chiếm tỷ lệ  0,06%.

2. Về tôn giáo: Trước năm 1945, xã Tập Sơn có 3 chùa Phật giáo Khmer là chùa Cũ (ấp Bến Chùa). Sau đó, giao xã Phước Hưng. Còn lại hai chùa là chùa Tháp (Wọte chách đây) và chùa Leng (Pồ thi Banl) có trên 200 sư sãi. Trước kia, còn có một chùa Phật giáo Khmer được xây dựng ở phía dưới đầu giồng Thốt Nốt gọi là Wọte ưng Bay, thời gian sau nhập vào chùa Tháp. Người Hoa có Tân An Cung (thờ Ông Bổn nằm ngay ngã ba chợ Tập Sơn) và Bình An Cung (ấp Đôn Chụm). Riêng chùa Phật người Kinh chưa có, nhưng bà con cùng tín ngưỡng đi lễ bái Ông Bổn hoặc chùa Phật giáo Khmer nên đời sống ba dân tộc ngày càng gắn bó.

Về phong tục tập quán, do ảnh hưởng lâu đời về nếp sống văn hóa xã hội của cộng đồng ba dân tộc anh em Kinh – Khmer – Hoa nên đời sống tâm linh và bản sắc văn hóa, dân tộc, tôn giáo vẫn tồn tại cho đến ngày nay.

3. Về khu dân cư: Từ khi hai làng Ngưu Sơn và Tập Tráng sáp nhập ra làng Tập Sơn, từ năm 1928 có 3 khu dân cư đông đúc, thuận lợi cho việc làm ăn mua bán sinh sống của Nhân dân.

Chợ Tập Sơn (Trà Trót) là khu dân cư chính mang tính chất văn hóa, xã hội, kinh tế và an ninh – quốc phòng nằm trên trục lộ giao thông tỉnh lộ 36 (nay là Quốc lộ 54), có ba ngã từ Tỉnh lỵ Trà Vinh đến chợ nối Quốc lộ 53 về huyện lỵ Trà Cú, ngày nay ngay ngã ba chợ và một ngã của Hương lộ (chạy ngang Xóm Tiều dưới chợ Tập Sơn) nay là Quốc lộ 54 chạy đến ấp Leng đi huyện Tiểu Cần.

Chợ Bến Thế, là khu dân cư thứ hai, nơi đây người Khmer gọi là “Xà Lon Thuê”, có nghĩa là Bến thu thuế của bọn quan làng thời Pháp. Điểm thu này thu các ấp: Thốt Nốt, Đôn Chụm, Đồn Điền, người ta tập trung về đây đóng thuế, thuận tiện cho mua bán nên gọi là chợ. Người dân quen gọi Bến Thế mà không gọi là Bến Thuế như ý nghĩa của nó.

Chợ Leng là khu dân cư thứ ba, vì xa chợ Tập Sơn nên Nhân dân tự hình thành chợ để trao đổi, mua bán cũng thuận lợi cho đến ngày nay.

Riêng khu chợ Tập Sơn cũng biến đổi theo thời gian. Từ trận đánh Pháp đầu tiên tại chợ Tập Sơn ngày 15/12/1945, chợ bị đốt cháy. Cuối năm 1967, đầu năm 1968, ta đánh san bằng Phân chi khu Tập Sơn. Do chiến sự, một số nhà dân và khu chợ cũng bị cháy. Sau giải phóng, chính quyền cách mạng xây dựng khu chợ khang trang, dân cư đông đúc mua bán ổn định và phát triển cho đến khi xã Tập Sơn được chia làm hai xã Tập Sơn và Tân Sơn.

Đó là ba khu dân cư của xã được hình thành do điều kiện thực tế của lịch sử từ khi lập làng đến nay.

Nhân dân xã Tập Sơn là cộng đồng đa tộc giữa Kinh – Khmer – Hoa. Người Hoa sống nghề mua bán. Người Kinh, người Khmer sống bằng nghề nông, sản xuất lúa gạo, cây trái hoa màu lương thực, chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản. Họ xem cơ sở vật chất quý báu nhất là ruộng, đất. Đây là tư liệu sản xuất không thể thiếu trong đời sống của họ.

III. VỀ CHÍNH TRỊ:

1. Sự phân hóa giai cấp trong xã hội

Năm 1867, thực dân Pháp đánh chiếm Vĩnh Long, sau đó chiếm Châu Đốc, Hà Tiên và áp đặt bộ máy cai trị lên vùng đất Nam Kỳ. Tập Sơn nằm trong bối cảnh chung của tỉnh và cả nước.

Quá trình xâm chiếm đất đai và triển khai các chính sách cai trị của thực dân Pháp làm cho xã hội trên vùng đất Tập Sơn phân hoá. Chính quyền thực dân và bọn địa chủ tay sai dựa vào bộ máy cai trị và các phương thức bóc lột để làm giàu. Địa bàn xã dân có một số địa chủ lớn như Trịnh Sa, Hứa Phọ, Huỳnh Ướng, Chủ Canh nắm gần hết diện tích đất trong xã.

Thấy một số người nước Nam dựa chân chính quyền thực dân sở tại chia chát quyền lợi, muốn làm nhẹ bớt quyền của các thân hào hương chức, năm 1904, thực dân Pháp ban hành nghị định đầu tiên ổn định việc cải tổ hành chính xã tại Việt Nam.

2. Bộ máy điều hành địa phương

Nghị định ngày 27/8/1904 ban hành quy định thành lập Ban Hội tề tại các xã, còn gọi là Hội đồng làng. Mỗi nhân viên trong Ban hội tề lĩnh một chức vụ riêng:

Hương cả: Hương chức đứng đầu; chủ tọa Ban Hội tề; giữ văn khố.

Hương chủ: Phó chủ tọa; giữ nhiệm vụ thanh tra các cơ quan của làng và tường trình cho Hương cả.

Hương sư: Giữ nhiệm vụ cố vấn trong việc giải thích luật lệ.

Hương trưởng: Giữ ngân sách làng; trợ giúp các giáo viên, nhân viên Ban Chấp hành.

Hương chánh: Hòa giải những vụ tranh chấp nhỏ của những người trong làng.

Hương giáo: Chỉ dẫn cho các hương chức trẻ tuổi; thư ký hội đồng.

Hương quản: Trưởng Ban cảnh sát; kiểm soát hệ thống giao thông và vận chuyển.

Hương bộ: Giữ các sổ thuế và sổ chi thu của làng; trông nom công sở cùng vật liệu của làng.

Hương thân: Giữ nhiệm vụ của một hương chức chấp hành, là trung gian giữa nhà cầm quyền tư pháp và ban Hội tề.

Xã trưởng: Giữ nhiệm vụ của một hương chức chấp hành là trung gian giữa làng và chính quyền, giữ triện (con dấu) của làng; giữ việc thu thuế cho chính quyền.

Hương hào: Giữ nhiệm vụ của một hương chức chấp hành.

Chánh lục bộ: Giữ sổ sách và hộ tịch, báo cho dân chúng biết để đề phòng những bệnh truyền nhiễm xảy ra trong làng.

Chính quyền thực dân Pháp chọn những chức danh hội tề ở làng Tập  Sơn lúc bấy giờ và đến tháng 8/1945 như Hứa Phọ (Cả Phọ), Huỳnh Ướng (Chủ Ướng), Trang Kia (Hương sư Kia), Lục Vĩnh Phát (Xã Tên), Huỳnh Trung Trực (Hương quản Trực), Từ Nam Hữu (Hương hào Thúi), Nguyễn Thâm Canh (Chủ Canh)…

Để tăng cường áp bức bóc lột, Nghị định 1927, cải cách ban Hội tề, chức vụ chỉ huy cả ban Hội tề lẫn làng xã nằm trong tay Hương cả, Hương chủ và Hương sư, riêng Hương cả được quyền chỉ huy chuyên biệt mọi cơ quan của làng. Vai trò Hương cả trở nên quan trọng, là đầu mối của nạn cường hào ác bá do người Pháp tổ chức. Còn Ban Hội tề là lớp người có đủ bảo đảm về lòng trung thành đối với nước Pháp. Những địa chủ, những người giàu có, những công chức các ngạch từ trung đẳng trở lên hồi hưu, từ dịch, các quân nhân trong quân ngũ thuộc địa giải ngũ với cấp bậc đội trở lên mới được ứng cử vào hội đồng kỳ hào. Bởi có thế  khi làm việc họ mới đàn áp được những người nhen nhóm chống Pháp. Nguồn thu tài chính của chính quyền thuộc địa dựa vào các loại thuế: Thuế thân, thuế điền trạch, tiền lệ phí, thuế chợ, thuế bến đò, thuế thủy lợi và tiền lệ phí khác ví như lệ phí về sát sinh - khi mổ thịt gia súc, lệ phí về đốt pháo, đánh trống đánh chiêng trong những dịp vui mừng hay tang ma, lệ phí xin phép lợp nhà, lót sân gạch. Người giàu có thì mua chân nhiêu, chân xã để được dự hàng quan viên và được miễn các điều phu phen tạp dịch.

Để quản lý chặt chẽ người dân, sau khi thực dân Pháp đàn áp các cuộc khởi nghĩa, chúng chia cho các địa chủ, cường hào có công với chúng những quyền lợi bằng cách tạo điều kiện cho thành phần này cùng với chúng chiếm đất của dân.

Dưới chế độ cai trị hà khắc của bọn tham quan ô lại, với sưu cao thuế nặng, người dân thường xuyên bị huy động đi phu dịch quanh năm, cùng với việc bóc lột tô tức, cho vay nặng lãi (vay một giạ lúa lãi một giạ) của giai cấp địa chủ, đời sống Nhân dân Tập Sơn vô cùng cơ cực. Thiếu nợ phải đi ở. Tiền ở chỉ đủ trừ tiền lãi. Số nợ vẫn còn nguyên. Cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, nhà ở tạm bợ, xiêu vẹo, con cái sinh ra không được học hành, hơn 90% mù chữ.

Mỗi năm nông dân phải nộp thuế thân cho Pháp 5 đồng. (Thời điểm 1920-1930, giá lúa hai cắc một giạ, phải bán 25 gịa lúa mới có đủ số tiền đóng thuế thân cho một người). Ngoài thuế thân, người dân còn chịu biết bao loại thuế tự đặt ra không hình thành văn bản. Mỗi khi nhà chủ điền có tổ chức tiệc tùng, tá điền cống nạp gà, vịt, gạo, nếp cho chủ điền. Đó mới là người biết xử sự. Chủ thương, không đòi lại ruộng. Có thế mới dễ sống

Việc chống áp bức bóc lột ở vùng đất Tập Sơn chủ yếu là đấu tranh đòi hoãn thuế, chống phụ thu lạm bổ, đòi địa chủ tăng tiền công cấy, cho ăn buổi cơm trưa mỗi khi tá điền làm việc tập trung vào vụ mùa…Đến thời Mỹ xâm lược có Kim Kiên (Cả Kiên), Kim Nhoẹn (Tổng Nhoẹn), Kim Khinh (Xếp Khinh), Kim Nhọn (Xếp Nhọn), Biện Tỉnh…

3. Quan hệ các tầng lớp giai cấp

Người dân Tập Sơn, đại đa số là nông dân tá điền, có lòng yêu nước. Những người này không chịu khuất phục vì sự áp bức, cưỡng đoạt, bóc lột quá thâm sâu của thực dân và cường hào. Ý thức đó được phát huy cao độ khi có sự lãnh đạo của Đảng. Từ tình yêu quê hương xóm làng biến thành lòng yêu nước, sẵn sàng đánh đuổi ngoại xâm.

Thực dân Pháp cai trị nước ta, tạo ra một lớp cường hào ác bá, sẵn sàng làm tay sai cho chúng. Nhưng chúng vẫn còn dè dặt, nhất là trong vấn đề tuyển lựa nhân viên Ban Hội tề, quyền tuyển lựa tuy không nói rõ nhưng có sự giám hộ của chính quyền thuộc địa.

Thực dân Pháp lập ra bộ máy cai trị hoàn chỉnh gắn liền với việc bần cùng hóa người lao động ở nông thôn.

Người dân vẫn được canh tác trên phần đất của mình, nhưng phải nộp tô, nếu không nộp đủ số tô tức mà địa chủ quy định thì sẽ bị lấy đất, không cho canh tác…Ngoài lúa tô phải nộp (đất tốt 8 giạ một công, trung bình 6 giạ, xấu 4 giạ). Vào những ngày lễ, ngày tết, người nông dân phải đến nhà chủ ruộng làm không công và phải nộp gà vịt…Do đó dù họ có làm cật lực cũng không đủ ăn, ốm đau không có tiền lo thuốc… Mỗi lần thiếu đói, họ phải gõ cửa nhà chủ ruộng xin vay tiền, vay lúa với lãi suất cao. Điều đó đã cột chặt nông dân vào chủ ruộng hết năm này sang năm khác. 

Dưới sự chỉ huy của công chức chuyên quyền Pháp, chúng vơ vét bóc lột, đàn áp Nhân dân qua việc thu tô, thu thuế và các lễ lộc. Mặt khác, chúng lùng sục, ngăn chặn và đàn áp phong trào cách mạng. Chúng tước đoạt của mọi người quyền tự do dân chủ. Dân tụ họp từ hai người trở lên chúng đều cho là không hợp pháp. Ngoài ra, chúng còn cài những tên phản động vào trong nội bộ Nhân dân, gây nghi ngờ, làm mất đoàn kết để từ đó phục vụ cho chính sách cai trị của chúng.

IV. PHONG TRÀO ĐẤU TRANH CHỐNG THỰC DÂN PHÁP XÂM LƯỢC CỦA NHÂN DÂN TẬP SƠN

Khi những tên tham biện đầu tiên vào nhậm chức thì phải đương đầu với sự chống đối của Nhân dân Trà Vinh.

Cuộc khởi nghĩa của các sĩ phu yêu nước (ban đầu là của Phan Tôn, Phan Liêm; tiếp theo là của Tấn lý Lê Văn Quân, Đề đốc Triều và Đốc binh Say đã lãnh đạo cuộc khởi nghĩa ở Ba Động, đông đảo đồng bào Trà Vinh ở ven biển tham gia, trong đó có đồng bào Tập Sơn).

Trước những cuộc khởi nghĩa nêu trên, thực dân Pháp ra sức truy lùng quân khởi nghĩa khắp nơi. Chúng thi hành chính sách cai trị rất hà khắc vừa khủng bố vừa mua chuộc, quyết dập tắt ngọn lửa đấu tranh nhen nhm ngay từ buổi đầu.

Ở vùng đất Tập Sơn, chính quyền thực dân Pháp dùng thủ đoạn gây hận thù dân tộc giữa đồng bào Kinh, Khmer, Hoa để tập hợp lực lượng phản động sử dụng vào việc cai trị, dùng người địa phương giết hại người địa phương, dùng lực lượng phản động làm vỏ bọc bao che cho chúng.

Những cuộc khởi nghĩa của các sĩ phu bị đàn áp tan rã. Thực dân Pháp và bọn tay sai tiếp tục ra sức khủng bố, kìm kẹp nặng nề hơn. Pháp tổ chức lực lượng đàn áp Nhân dân ngày càng đông hơn. Nhân dân càng khốn khổ, lòng căm thù càng thêm sôi sục.

Giữa lúc dân tộc Việt Nam chìm trong những đêm dài nô lệ, khủng hoảng về con đường cứu nước thì người thanh niên Nguyễn Tất Thành – Nguyễn Ái Quốc sau nhiều năm bôn ba tìm đường cứu nước đã tiếp thu được chủ nghĩa Mác – Lênin và rút ra kết luận: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác, con đường cách mạng vô sản”. Nguyễn Ái Quốc đã tích cực tham gia hoạt động trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, phong trào cách mạng thuộc địa; nghiên cứu và truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin vào Việt Nam. Năm 1925, Nguyễn Ái Quốc về Quảng Châu (Trung Quốc) tiếp xúc với những người Việt Nam yêu nước ở đây, lập ra Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, tổ chức cách mạng tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nguyễn Ái Quốc đã đào tạo nhiều cán bộ và tổ chức tuyên truyền chủ nghĩa Mác – Lênin vào phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân và quần chúng Nhân dân trong nước.

Nhờ đó, phong trào đấu tranh cách mạng ở nhiều nơi đã xuất hiện những nhân tố điển hình, báo hiệu sự hình thành tổ chức mới nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của phong trào cách mạng trong nước. 

Cuối năm 1929, ba tổ chức Cộng sản lần lượt được thành lập là: Đông Dương Cộng sản Đảng (6/1929), An Nam Cộng sản Đảng (8/1929), Đông Dương Cộng sản Liên đoàn (9/1929). Sự xuất hiện của các tổ chức cộng sản đã tạo ra những nhân tố mới thúc đẩy phong trào đấu tranh cách mạng ở từng địa phương. Tuy nhiên, mặc dù ba tổ chức cộng sản này đều có chung mục đích, lý tưởng nhưng về tổ chức, chủ trương, chính sách lại có những điểm khác nhau, cộng thêm ý kiến cá nhân xen vào làm cho quan hệ giữa các tổ chức cộng sản trở nên phức tạp.

Trước yêu cầu lịch sử đó, với tư cách là phái viên của Quốc tế Cộng sản, có đầy đủ quyền quyết định mọi vấn đề có liên quan đến phong trào cách mạng ở Đông Dương, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã tới Hương Cảng (Trung Quốc), ngày 3/2/1930, chủ trì Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản trong nước thành lập ra một Đảng Cộng sản duy nhất lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây là mốc son lịch sử của phong trào cách mạng ở nước ta, từ nay sẽ do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.

Tuy Chi bộ Đảng chưa được thành lập ở huyện Trà Cú, nhưng những năm 1930, ông Nguyễn An Ninh đến Trà Cú, tìm ông Từ Bá Đước và những người cùng chí hướng, tuyên truyền vận động yêu nước, tạo cơ hội cho Nhân dân Tập Sơn tham gia các phong trào cách mạng.

TIN LIÊN QUAN
1 2 
LƯỢT TRUY CẬP
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 5
  • Trong tuần: 29
  • Tất cả: 3850